Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh còn chiếm dụng khu vực thang máy dành cho người khuyết tật làm nơi chứa đồ đạc, hàng hóa, rác thải... Khu vực này trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối do lâu ngày không được vệ sinh.
Theo bạn Quang Huy (sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải), việc người dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh biến những nhà ga hiện đại trở nên xấu xí, gây mất an toàn cho người đi bộ. "Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài. Mặc dù tuyến đường chưa đi vào hoạt động nhưng lối lên xuống, trụ cột cần phải được bảo vệ", bạn Huy chia sẻ.
"Tôi thấy họ không chỉ chiếm dụng để kinh doanh trà đá, đồ ăn mà nhiều người còn lợi dụng để treo biển quảng cáo, vẽ, in số điện thoại lên trụ đường sắt nhìn rất mất mỹ quan. Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân, xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, tuy nhiên đến nay tình trạng chiếm dụng vẫn chưa được giải quyết triệt để ", anh Bùi Khánh (người dân sinh sống gần khu vực nhà ga Cầu Giấy) bức xúc.
Tại khu vực nhà ga Phú Diễn, lối lên nhà ga bị chiếm dụng thành nơi treo các biển hiệu, để hàng hóa.
Một số khu vực được tận dụng làm nơi đỗ xe.
Tình trạng lấn chiếm diễn ra nhiều nhất tại khu vực lối đi lên xuống và xung quanh 2 nhà ga Phú Diễn, nhà ga Nhổn. Biển quảng cáo đặt tràn lan, hàng hóa được bày bán kín vỉa hè.
Liên quan đến tình trạng chiếm dụng khu vực nhà ga tuyến tàu Nhổn - Ga Hà Nội thời gian qua, trả lời PV, ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị tới các phường, quận hỗ trợ, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh. Công an và thanh tra các phường, quận cũng đã đi xử lý, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng thì lại tái diễn vi phạm.
"Nhiều lần bảo vệ đã can thiệp nhắc nhở, tuy nhiên có lần còn bị dân dọa, thậm chí là đánh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương nhằm chấm dứt tình trạng này", Phó Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.