Cho dù Bộ GD&ĐT có hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nhưng hiện các cơ sở giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản hướng dẫn của Nghị định 108, 113, 143… nhất là khi có đơn vị đang thiếu nhiều giáo viên.
Chính sách đối với nhà giáo sẽ là động lực để các thầy cô giáo thêm yêu và gắn bó với nghề. |
Quan điểm trên cũng được Trường Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Vũ Quốc Long đồng tình: Giáo viên hiện nay cũng đang chịu sự chi phối của Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Việc bị chi phối quá nhiều bộ luật trong khi đó Luật Nhà giáo không có đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các thầy cô. “Luật Nhà giáo được xây dựng thống nhất, với 5 chính sách chắc chắn sẽ là động lực để các thầy cô giáo thêm yêu và gắn bó với nghề.
Gắn bó lâu năm với nghề và vừa cầm sổ hưu ít ngày, thầy giáo Lưu Hải Tiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Lo lắng có biên chế tuyển đủ cho các môn học là của hiệu trưởng, còn lo phải học bồi dưỡng quá nhiều là của giáo viên. Luật hóa sẽ quy định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo quy định người không học ở trường, khoa sư phạm, muốn hành nghề dạy học thì phải có chứng chỉ.
"Điều này rất đúng và giúp giải phóng cho giáo viên để họ không phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Quy trình tuyển dụng giáo viên được quan tâm nhiều hơn đến nghiệp vụ. Việc chuyển công tác đối với nhà giáo được thực hiện minh bạch, công bằng; đặc biệt, giáo viên dạy học ở các vùng khó khăn có cơ hội được chuyển về vùng thuận lợi. Việc cải thiện tiền lương giáo viên, trả đúng, trả đủ sẽ giúp họ ổn định cuộc sống và yêu nghề hơn". - Thầy Lưu Hải Tiền nhấn mạnh
Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện các nội dung xây dựng Luật Nhà giáo: Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.