Với nỗ lực không ngừng, vài năm gần đây, cô Thủy là một trong số không nhiều giáo viên thành công trong việc hướng dẫn học sinh triển khai các dự án khoa học kỹ thuật và đạt giải cao cả cấp tỉnh lẫn toàn quốc. Đáng nói, những sản phẩm dự thi đa số đều bắt đầu từ ý tưởng thể hiện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc.
Thắp lửa học cho trẻ em dân tộc
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hoá, cô Quách Thị Huế có 10 năm gắn bó với Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Cô Huế chia sẻ: “Ngày mới về trường, khó khăn chồng chất khiến tôi không khỏi thấy áp lực. Nhưng là người con dân tộc Mường, tôi đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn của học sinh dân tộc nên luôn cố gắng để giúp đỡ các em được học hành đến nơi đến chốn. Dần dần, sự hồn nhiên, chân thành của các em trở thành sợi dây gắn kết, níu bước tôi ở lại. Không chỉ tôi, nhiều thầy cô giáo người Kinh cũng gắn bó với ngôi trường này vì họ yêu mến văn hoá, con người dân tộc”.
Khi lên lớp, thầy cô phải dạy chậm, dạy nhiều lần với tất cả sự kiên nhẫn. Những buổi học thường không có định nghĩa hết giờ. Buổi sáng, cô giáo dạy chương trình chính khoá, đến chiều dạy phụ đạo còn buổi tối, nếu học sinh chưa hiểu bài, cô Huế sẵn sàng ở lại giảng giải thêm cho các em. Hơn nữa, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau, nếu không kiên nhẫn, thầy cô sẽ khó truyền đạt kiến thức, từ đó, các em sinh ra sợ hãi hoặc chán nản với việc học.
Cô Huế bày tỏ: Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán có khẩu hiệu “coi học sinh như con em của mình”. Với tâm thế này, giáo viên không nhìn học sinh như người học mà như con nhỏ cần dạy dỗ và uốn nắn. Hơn nữa, học sinh mới bước vào cấp 2, lại phải sống xa gia đình nên giáo viên thường xuyên tâm sự, lắng nghe khúc mắc, quan tâm đến tâm sinh lý của các em.
Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán chuyển sang dạy trực tuyến từ ngày 13/9/2021. Thời gian qua, việc dạy online cho học sinh gặp muôn vàn khó khăn. Gia đình đông con nhưng các em chỉ trông cậy vào 1 - 2 chiếc điện thoại của bố mẹ, thao tác chưa quen. Phụ huynh cũng không có điều kiện lắp wifi, đăng ký 3G nên đường mạng chập chờn.
Gần 99% học sinh không có máy tính, chỉ tương tác trên điện thoại nên việc học trực tuyến khó đạt hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi cô Huế cũng như đồng nghiệp phải tìm nhiều giải pháp hỗ trợ để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Thầy cô soạn nội dung bài học cô đọng, chi tiết rồi chuyển sang định dạng file PDF để gửi vào nhóm Zalo học tập. Giáo viên cũng chủ động gọi điện đôn đốc, nhắc nhở học sinh làm bài tập; hướng dẫn riêng từng học sinh.
“Học sinh không có tiền gọi điện thoại, lại không thạo công nghệ nên hiếm em chủ động trao đổi bài học với thầy cô. Giáo viên phải là người tìm đến, giúp đỡ các em trong giai đoạn học tập khó khăn này. Sau khi học sinh trở lại trường, chúng tôi tiếp tục củng cố kiến thức, sẵn sàng dạy lại cho học sinh”, cô Huế bày tỏ.
Thầy Lê Văn Mười, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: Cô Quách Thị Huế đã gắn bó thời gian dài với nhà trường. Trong thời gian công tác, cô không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm từ những thầy cô giáo đi trước. Cô Huế cùng đội ngũ giáo viên nhà trường luôn động viên, khích lệ lẫn nhau vượt qua những khó khăn của dịch bệnh để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho học sinh dân tộc.
Ngày 14/2, Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán mở cửa trở lại. Trước khi đi học, nhà trường tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ học sinh. Những em có kết quả âm tính sinh hoạt nội trú khép kín, không rời trường học để kiểm soát lây nhiễm và phòng chống dịch.
Hạnh phúc là khi trò tiến bộ
Nhà giáo nữ vùng khó vẫn đang hàng ngày kiên nhẫn, âm thầm khắc phục hoàn cảnh sống để vượt lên thử thách. Tất cả đều hướng tới đích lớn nhất là làm tốt nhất nhiệm vụ “gieo chữ, trồng người”.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà giáo nữ vì yêu nghề nên cống hiến không mệt mỏi cho trò. Họ sẵn sàng kiêm nhiệm công việc vừa lên lớp dạy học vừa nấu cơm cho học sinh tại các điểm trường để dạy tiếp buổi chiều. Họ nhường cho trẻ từng miếng cơm khi nhỡ bữa, manh áo khi trời lạnh.
Thậm chí, dù đồng lương giáo viên còn hạn hẹp họ sẵn sàng ứng trước đóng học phí, mua sách truyện tặng học trò. Họ coi những cống hiến, tận tụy hy sinh của mình như chuyện đời thường, trách nhiệm, bổn phận của giáo viên vùng khó. Hạnh phúc của các cô chính là sự tiến bộ, trưởng thành của học trò.
Cô giáo Mai Thị Lan, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) bày tỏ: Chỉ cần học sinh không trốn bỏ học, tiếp thu được kiến thức cơ bản trên lớp, tiến bộ từng chút trong học tập… đủ làm cô giáo vùng cao hạnh phúc. Chỉ khi nào coi học trò như con, yêu nghề tha thiết thì giáo viên mới có động lực, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh “trồng người”, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.