Nhà khoa học Việt nghiên cứu sống thông minh với… mối

Mai Phong | 25/04/2023, 07:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mối gây hại cho công trình, nhà cửa, ảnh hưởng đến đời sống con người nhưng lại là một mắt xích trong chu trình thức ăn của nhiều loài.

Sống chung với mối

Theo GS Bùi Công Hiển, có ba con đường (nguyên nhân) hình thành một tổ mối hay xuất hiện vị trí mối phá hại trong một không gian. Đó là từ mối cánh bay vào làm tổ.

Thời gian từ một đôi mối cánh (đực, cái kết đôi) đến lúc tổ mối có số lượng nhiều, phát hiện dấu vết gây hại (tổ cỡ trung bình) phải mất khoảng 3 - 6 năm.

Hai là có thể từ vườn cây hay cổ thụ có tổ bên ngoài hoặc từ nhà liền kề để mối thợ đi kiếm ăn xâm nhập vào. Ba là khi vật dụng đồ gỗ, hàng hóa vận chuyển vào nhà đã có sẵn mối mà không biết, phổ biến ở nơi làm kho chứa hàng.

Do vậy, khi tiến hành xử lý mối, phải khảo sát đầy đủ để xác định mức độ mối đang gây hại (quy mô), vị trí đang hoạt động mạnh nhất, khả năng nào đã phát sinh ra mối và loài mối (mối nhà hay mối đất).

GS Bùi Công Hiển cho biết, về nguyên tắc có thể xây dựng những khu vực an toàn về mối. Ở một thành phố của Mỹ người ta đã xây dựng được một quận an toàn không có mối trong nhiều năm. Ở Việt Nam, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có hợp đồng với Hội An đảm bảo an toàn về mối cho khu vực phố cổ.

Để phòng mối chủ động, phải khảo sát và diệt mối xuất hiện ở khu vực xây dựng công trình. Nếu là công trình bắt đầu xây dựng thì trong thiết kế có phần xây dựng hành lang phòng chống mối.

Nếu công trình đã sử dụng thì bổ sung hành lang phòng chống mối. Ở hành lang phòng chống mối người ta đặt một số hộp nhử mối để thường xuyên theo dõi tình hình mối hoạt động, xâm nhiễm, kiểu như lắp camera. Vào những tháng 4 - 6 dương lịch, là thời điểm mối bay phân đàn, cần phải kiểm tra, theo dõi hiện tượng này ở khu vực cần bảo vệ.

Định kỳ vào mùa Hè kiểm tra những nơi mối có khả năng gây hại như gầm cầu thang, tủ bếp, phòng kho, gác lửng... (nơi có nhiều gỗ, kín đáo và con người ít đến). Khi kiểm tra dùng đèn pin soi vào chỗ tối, lấy tuốc nơ vít gõ vào mặt gỗ xem thế nào hoặc cậy nhẹ những nơi nghi có đường đi của mối. Hiện chưa có máy phát hiện mối.

GS Bùi Công Hiển khẳng định, mối là một tồn tại khách quan, luôn đồng hành với cuộc sống của chúng ta, không thể “diệt mối tận gốc”, mà chỉ có thể sống thông minh với mối, tìm biện pháp hữu hiệu hạn chế tác hại của chúng.

Trong tự nhiên, mối là một mắt xích trong chu trình thức ăn nên ở góc độ nào đó chúng là loài có ích cho môi trường.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nha-khoa-hoc-viet-nghien-cuu-song-thong-minh-voi-moi-post635854.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nha-khoa-hoc-viet-nghien-cuu-song-thong-minh-voi-moi-post635854.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà khoa học Việt nghiên cứu sống thông minh với… mối