Nhà khoa học với công nghệ Việt bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm

Hoàng Giang | 28/10/2022, 09:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, công nghệ và giải pháp kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm đã chứng minh hiệu quả thực tế. Công trình vừa được trao giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 và vinh dự nhận Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ WIPO vào tối 27/10.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo chia sẻ, để phù hợp với tính đặc thù của công trình, biện pháp thi công được sử dụng là công nghệ rung ép cấu kiện, sử dụng dàn rung gồm: Thiết bị rung, cục tải, giá đỡ, để ép nén các cấu kiện kè theo tim tuyến đã được định vị. Tại các vị trí đất nền có vật cản không thể nén cấu kiện trực tiếp thì sử dụng công nghệ rung ép thiết bị kè mồi để cắt phá các vật cản sau đó mới tiến hành lắp đặt cấu kiện.

Phương pháp thi công này có tác dụng gia tải trước nhằm loại trừ lún cục bộ trong thi công và trong quá trình sử dụng; không phá vỡ nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ, bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ; không phải tát nước hồ nên khắc phục được ảnh hưởng thay đổi hệ thuỷ sinh trong hồ, bảo tồn loài tảo riêng có tại Việt Nam và trên thế giới, duy trì đặc trưng màu lục lam - nét văn hoá đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm.

Hội đồng giám khảo đánh giá "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè hồ Hoàn Kiếm" có khả năng ứng dụng rộng rãi tại Hà Nội và trên cả nước vì đã triển khai thành công, mang lại hiệu quả đặc biệt về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, văn hóa cũng như bảo đảm các cơ sở pháp lý về quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trong đó, công nghệ bê tông cốt sợi phi kim đúc sẵn (mục 95) và sản phẩm bê tông cốt sợi phi kim đúc sẵn (mục 91) có trong Quyết định 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Được biết, hiện nay, công nghệ đã được đề xuất để xây dựng kè bờ hồ Trúc Bạch (đã thử nghiệm 5 m) và hồ Đống Đa, TP. Hà Nội.

Công nghệ Việt bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm nhận Huy chương Vàng WIPO - Ảnh 3.

Tính mới, tính sáng tạo của kè Hồ Hoàn Kiếm thể hiện ở công nghệ bê tông đúc sẵn cốt phi kim và giải pháp kỹ thuật, thi công phù hợp với tính đặc thù của công trình di sản - Ảnh: VGP

Niềm vui của nhà khoa học là những sáng chế của mình được áp dụng

Hơn 60 tuổi và luôn trăn trở với việc nghiên cứu các sáng chế, sản phẩm mới, TS. Hoàng Đức Thảo cho rằng niềm vui của nhà khoa học là những sáng chế của mình được áp dụng vào cuộc sống, có ý nghĩa với xã hội, giúp đất nước, con người ngày càng phát triển.

Trong những năm qua, nền khoa học công nghệ của nước nhà đã có được những bước chuyển biến rất tích cực, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể kể đến như việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC)…

Nhiều "sân chơi" dành cho các nhà khoa học được tổ chức như: Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Nhân tài đất Việt, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam… đã góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân.

Là tác giả của hàng trăm bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích được công nhận trong nước và quốc tế, AHLĐ Hoàng Đức Thảo cho rằng hiện nay, rất nhiều nhà khoa học đang trăn trở với những khó khăn, thách thức nhưng vẫn cống hiến hết mình, không ngừng sáng tạo để giữ vững được ngọn lửa đam mê trong công việc nghiên cứu.

Tuy nhiên, có thực tế là việc không được tin tưởng, thậm chí nhiều sáng chế không được ứng dụng, có ý tưởng nhưng thiếu kinh phí nghiên cứu, thủ tục rườm rà hay tình trạng vi phạm bản quyền… đang là những bức tường ngăn cản sức sáng tạo, cống hiến của các nhà khoa học.

Đối với các nhà khoa học trẻ, với việc thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách vượt qua khó khăn đã dẫn đến một hiện tượng không ít các nhà khoa học trẻ thể hiện những phản ứng không tích cực và dành nhiều thời gian để so sánh về điều kiện, môi trường làm việc mà chưa nhận thức được rằng, mỗi nhà khoa học phải tự có trách nhiệm để làm thay đổi tích cực môi trường, xã hội xung quanh mình.

Về phía Nhà nước, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, TS. Hoàng Đức Thảo cho rằng, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này phát huy tinh thần nghiên cứu; ban hành những chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam; khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại; có giải pháp thật cụ thể để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt nhiều công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng…

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nha-khoa-hoc-voi-cong-nghe-viet-bao-ve-bo-ho-hoan-kiem-102221028065512174.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/nha-khoa-hoc-voi-cong-nghe-viet-bao-ve-bo-ho-hoan-kiem-102221028065512174.htm
Bài liên quan
Hà Nội: Phạt một người coi dắt chó đi dạo tại hồ Hoàn Kiếm là nhu cầu cấp thiết
(GDTĐ) - Ngày 22/9, 4 người vi phạm quy định phòng, chống dịch khi tập thể dục tại hồ Hoàn Kiếm đã bị phạt 8 triệu. Một người trong nhóm dắt chó đi dạo và cho biết đây là nhu cầu cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà khoa học với công nghệ Việt bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm