Thời sự

Nhà ở kết hợp kinh doanh không khắc phục được vi phạm PCCC phải dừng hoạt động?

14/08/2024 12:42

Dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ quy định với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC theo quy định thì phải chuyển đổi công năng.

Sáng 14-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Quy định riêng điều kiện phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh

Liên quan đến quy định phòng cháy đối với nhà ở, báo cáo của Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho hay một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.

Trong khi đó, có ý kiến đề nghị tách thành hai điều quy định về PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành hai điều, gồm Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo điều 19 dự thảo, nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy theo quy định của Luật này và bảo đảm các điều kiện như có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở.

Điều luật này cũng quy định nhà ở sử dụng vào mục đích kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy nói trên và bảo đảm các điều kiện khác.

Cụ thể, không bố trí gian phòng để ngủ xen kẽ trong khu vực kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định; lối thoát nạn của khu vực để ở phải được ngăn cháy lan với khu vực kinh doanh.

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng quy định về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh đã được chỉnh lý nhiều so với nội dung trình ra tại kỳ 7 vừa qua. Tuy nhiên, ông Giang nhận xét nội dung điều 19 nói trên “chưa rõ ràng, còn quy định chung chung, rất khó khả thi”. Đặc biệt, khi triển khai áp dụng pháp luật thì rất khó cho cả cơ quan thực thi pháp luật và cả người dân.

“Chúng ta yêu cầu phải có phương tiện chữa cháy, giải pháp thông gió... theo quy định nhưng vấn đề là ai quy định cái này thì không rõ” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Theo ông Giang, nhà ở kết hợp kinh doanh là loại hình rất phổ biến hiện nay, đặc biệt ở các đô thị, gần như các nhà mặt phố đều có sự kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh.

“Nếu không quy định cụ thể ở đây thì nên giao Chính phủ và Bộ trưởng Công an quy định” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay việc xảy ra cháy với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh không đủ điều kiện PCCC thời gian qua đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm.

“Cần đúc kết đưa vào quy định này để phòng ngừa tối đa cháy và hậu quả cháy”- ông Mẫn nói và đặt vấn đề quy định PCCC nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh như dự thảo đã cơ bản phù hợp, đủ chưa?

Ông đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ khi đặt ra quy định mới, hoàn thiện quy định mang tính kế thừa đáp ứng yêu cầu PCCC, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Có những công trình không thể khắc phục được vi phạm PCCC

Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo dành một điều luật quy định về việc xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Theo đó, đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC theo quy định thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở. Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện việc này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Nguyễn Trường Giang thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát về PCCC. Tuy nhiên, qua rà soát, đến thời điểm này, số cơ sở vi phạm về PCCC so với thời điểm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đã tăng lên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy đến nay mới xử lý được gần 1.500/7.200 công trình vi phạm ở 35 địa phương. Với các công trình chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng thì mới khắc phục được gần 3.000 trong số hơn 11.000 công trình.

“Có những công trình không thể khắc phục được, ví dụ như công trình nhà HH Linh Đàm, cả chục tòa nhà thế không biết khắc phục như thế nào? Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống giám sát ở đó, tôi có hỏi người dân, họ cho biết ngày nào chả có báo cháy vì chục tòa nhà liền kề như thế thì không biết xử lý như thế nào” - theo ông Nguyễn Trường Giang.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng “phải rất thực tế mới xử lý được” và “phải có khoảng thời gian nhất định”, không thể quy định chung chung không biết khoảng thời gian nào xử lý.

Sau khi dẫn chứng với công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, ông Giang đề nghị Luật quy định thời hạn để khắc phục những công trình này, nếu không sẽ phải dừng hoạt động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở kết hợp kinh doanh không khắc phục được vi phạm PCCC phải dừng hoạt động?