Một số nhà phố Pháp khác có ghi tên chủ nhân hoặc tên cửa hiệu trên tường đỉnh mái, hoặc ở khoảng giữa tầng một và tầng hai. Các chữ này hoặc được đắp nổi bằng vữa, có sơn màu nổi bật so với màu nền, hoặc được đúc bằng bê tông rồi gắn lên tường.
Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017, Khu phố Cổ Hà Nội có tổng cộng 1.213 nhà phố Pháp, trên 77 tuyến phố và 10 ngõ.
Không chỉ là những công trình, mà còn là di sản
Các nhà phố Pháp đều được xây dựng với cấu trúc tường gạch chịu lực, có bổ trụ gạch gia cố ở những vị trí cần thiết. Sàn tầng có thể là kết cấu bê tông cốt thép lát gạch hoa hình vuông loại nhỏ, hoặc bằng gỗ lim có hệ dầm đỡ bằng gỗ, ngoại trừ các khu ướt như bếp và nhà vệ sinh.
Tương tự, cầu thang có thể được làm hoàn toàn bằng gỗ tốt, không bị mối mọt hoặc đổ bản bê tông cốt thép, có bậc xây gạch.
Cách tổ chức các không gian chức năng bên trong tương đối hợp lý, vẫn khai thác được những đặc điểm phù hợp của hệ thống các sân trong vào mục đích tạo sự thông thoáng tự nhiên, thoả mãn nhu cầu truyền thống của người Việt được gần gũi với không gian thiên nhiên, dù chỉ là không gian cây xanh nhỏ.
Một số ngôi nhà phố Pháp còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại như: Nhà số 48 phố Hàng Ngang là nơi Bản Tuyên ngôn Độc lập được viết những ngày cuối tháng 08/1945, để chuẩn bị cho buổi lễ ngày 02/09/1945; Nhà số 51 phố Hàng Bồ là địa điểm chứng kiến lễ thành lập Trung đoàn Liên khu 1 (tức Trung đoàn Thủ đô sau này) vào ngày 06/01/1947…
Trải qua nhiều năm, những ngôi nhà phố Pháp trong khu phố Cổ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp và giá trị, nhưng chưa thực sự được bảo tồn hiệu quả. Không thể phủ nhận rằng, sự hài hòa rất riêng trong kiến trúc đô thị và cảnh quan Hà Nội, được kiến tạo một phần không nhỏ từ những ngôi nhà phố Pháp - một vẻ đẹp tượng trưng cho một thời kỳ lịch sử.