Nhận diện xu hướng chọn ngành

Công Chương | 18/07/2022, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thận trọng chọn ngành học, tìm hiểu kỹ về cơ sở đào tạo sẽ giúp người học không lựa chọn sai. Nhu cầu thị trường trong tương lai cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến việc chọn ngành học của các thí sinh.

“Những dự báo về thị trường lao động cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cuộc CMCN 4.0. Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: Hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định…

Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng, kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động...” - chuyên gia về dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự, nói về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc SAVISTA HOLDINGS - cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, xu hướng toàn cầu hóa và CMCN 4.0 đã có tác động sâu sắc đến nguồn nhân lực trình độ cao.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay thì đây là kết quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu hụt trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, an ninh mạng… Nhiều lao động tiếp cận công nghệ nhưng chưa chắt lọc và phân tích thông tin chuẩn, thiếu tính kiến tạo trong công việc.

“Một số trường đại học trong nước đã có những ý tưởng giảng dạy và đào tạo sinh viên dựa trên nhu cầu riêng của từng doanh nghiệp. Theo tôi, đây là sự chuyển động rất phù hợp trong chiến lược hình thành thị trường đào tạo nguồn nhân lực hiện nay. Chỉ khi tạo được mối liên kết hợp tác với các doanh nghiệp thì mới hiểu rõ thị trường lao động và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cũng như việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Có thể nói, đối với các công ty quản lý vận hành bất động sản nói chung và SAVISTA nói riêng thì nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề cao là rất lớn, đặc biệt là lao động khối kỹ thuật, dịch vụ khách hàng, công nghệ thông tin. Để có được nguồn nhân lực ổn định và vững chắc, nhân sự của SAVISTA được tuyển chọn dựa trên đánh giá toàn diện về nhiệt huyết đam mê nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và nền tảng kiến thức trong công việc. Và tôi nhận thấy ở nhiều em đã được rèn luyện điều này rất tốt trong nhà trường...” - ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Nhận diện xu hướng chọn ngành, chọn trường  ảnh 2
Sinh viên tìm hiểu thông tin tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa/ INT

Năng lực bản thân hay dự báo thị trường?

Từ góc độ lựa chọn ngành học của thí sinh, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (HUTECH) cho rằng, điểm tích cực là hầu hết các ngành được thí sinh lựa chọn đều là những ngành được dự báo có nhu cầu nhân lực lớn, nên việc các bạn chọn học cũng là đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực này.

“Hẳn nhiên, việc chọn ngành của thí sinh không hoàn toàn định hình được thị trường lao động. Thị trường vận hành theo quy luật cung - cầu, những ngành có nhu cầu nhân lực lớn nhưng chưa được thí sinh chú ý nhiều trong giai đoạn này tất yếu sẽ có những điều chỉnh về lương thưởng, đãi ngộ để thu hút nhân sự phù hợp.

Như tại HUTECH, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng chưa được nhiều thí sinh quan tâm như Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm.... Trong khi đó, các lĩnh vực nghề nghiệp thu hút thí sinh như kinh doanh - quản lý, truyền thông - marketing, công nghệ thông tin... có tốc độ phát triển nhanh nên đồng thời cũng đòi hỏi nhân sự phải không ngừng học hỏi để đáp ứng, nếu không muốn bị đào thải...” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

“Thí sinh nên chọn trường vì thực lực chứ không nên chọn trường cho bằng bạn bằng bè. Chọn ngành theo đam mê hoặc chọn ngành phù hợp với thực tế và mong muốn điều gì ở bản thân sau tốt nghiệp đại học... Trường đại học là nơi quyết định giá trị hành nghề và thành công trong tương lai của sinh viên, vì vậy, sự thận trọng tìm hiểu kỹ về các ngành, về trường sẽ giúp các em không rơi vào hoàn cảnh “mọi chuyện đã rồi”, hoặc phải bỏ học giữa chừng vì không phù hợp...” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh (LHU) lưu ý, theo lịch trình tuyển sinh 2022, từ ngày 22/7 - 20/8, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng (không giới hạn số lần thực hiện) trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Để chuẩn bị sẵn việc lựa chọn ngành nghề ở trường đại học, thí sinh nên chọn trường phù hợp với năng lực tài chính của gia đình chứ không phải chọn trường theo danh tiếng. Nhiều trường đại học tự chủ về tài chính, học phí sẽ tăng rất cao, vì thế cần cân nhắc kỹ để tránh bị đứt gánh giữa đường.

Trong khi đó, ThS Trần Nam cho rằng, hiện có nhiều ngành tuy ít người học hơn nhưng cơ hội việc làm vẫn cao trong khi ngành nhiều người học thì sự cạnh tranh sẽ rất cao cả về tuyển sinh, học tập lẫn việc làm.

“Cần nhìn rộng hơn về ngành, về nghề, vì khi mở tầm mắt của mình ra, bạn sẽ thấy được nhiều cơ hội khác dành cho mình. Ngành mình thích nhưng không đủ tố chất để học, hay ngành mình không thích mà vẫn đi học cho bằng được rồi việc làm tính sau thì đó là sự lãng phí. Đồng thời, các bạn cần đặt mình vào một cơ sở đào tạo chất lượng, tử tế và học phí phù hợp với gia đình mình. Trong giáo dục, chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất để kiến tạo nên những người giỏi...” - ThS Trần Nam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc SAVISTA HOLDINGS, hiện nay, nhiều trường đại học đã có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc cung ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu việc dạy và học không gắn liền với kỹ năng thực tiễn và các giá trị đạo đức. Chính vì vậy, việc các trường đại học hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ, nâng cao kỹ năng mềm, gắn với thực tiễn và ý thức trách nhiệm đạo đức là yếu tố cần để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa quốc tế.

Một xu hướng đáng chú ý là thí sinh ngày càng quan tâm hơn đến các chương trình liên kết 2+2 vì các bạn được trải nghiệm cả 2 môi trường học thuật là Việt Nam và nước đối tác. Điều này giúp sinh viên có thể hội nhập tốt hơn vào cả hai xã hội sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, chất lượng giảng dạy trong nước đã được nâng lên nhanh chóng. - ThS Trần Nam

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhan-dien-xu-huong-chon-nganh-chon-truong-post600946.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhan-dien-xu-huong-chon-nganh-chon-truong-post600946.html
Bài liên quan
Bí kíp chọn ngành học của các thủ khoa
Nhiều thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã chia sẻ về hướng nghiệp, chọn nghề cho bạn trẻ. Bên cạnh đó là những phương pháp học tập đạt hiệu quả ở môi trường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện xu hướng chọn ngành