Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Bất cập từ nhiều phía

Lan Tú | 18/01/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vào mùa tuyển sinh, những ngành khoa học cơ bản luôn là băn khoăn của nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng như của không ít SV khi lựa chọn...

Ông Trần Phương - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Theo thống kê của Trung tâm, trong những mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều ngành khoa học cơ bản có tỷ lệ nhập học thấp như: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học và sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường.

Nhiều ngành “hot” không phải là thế mạnh của một số trường lại có mức điểm chuẩn cao, trong khi các ngành đặc thù chỉ 5, 6 điểm/môn đã đỗ đại học. Nguyên nhân do thí sinh không mặn mà với các ngành học khoa học cơ bản vì khó định hình công việc sau này. Cùng với đó, các em cũng e dè vì những ngành học này đòi hỏi phải có năng lực học tập tốt.

Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Bất cập từ nhiều phía ảnh 1

Sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: Lan Anh

Khoảng trống nhân lực được báo trước

Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, các ngành đào tạo truyền thống vẫn èo uột. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, điều này khiến nhân lực phục vụ lĩnh vực liên quan đến cơ khí, xây dựng công trình, điện tử và quản lý trong lĩnh vực đường sắt đều thiếu. Giá thành và chi phí công trình vì thế bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều công trình dở dang do quản lý kém.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông vận tải vô cùng quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần có giải pháp cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Tương tự, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, nhận định, nhiều ngành khoa học cơ bản từ năm 2017 đến nay không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu dù điểm chuẩn thấp.

Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nên nhiều ngành khoa học cơ bản, nhất là khối khoa học xã hội đối mặt với tình trạng thiếu hụt giảng viên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của khối ngành khoa học xã hội tại cơ sở giáo dục đại học.

Còn GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐGQG Hà Nội - nhìn nhận, tại bất cứ quốc gia nào, các ngành khoa học cơ bản cũng là nền tảng cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong chiến lược dài hạn của nhiều quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản. Điều này góp phần trang bị, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Do đó, khi các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh sẽ kéo theo thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu xã hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhắc lại nhận định tại Hội thảo cấp quốc gia “Khoa học cơ bản: Vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học” được ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM tổ chức vào tháng 12/2022, GS.TS Lê Thanh Sơn cho hay: “Hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng”. Tuy nhiên, đào tạo ngành khoa học cơ bản là không dễ dàng. “Quá trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản mất nhiều thời gian và công sức. Lĩnh vực này cũng yêu cầu sinh viên phải có niềm đam mê để phát huy tốt năng lực, sức sáng tạo”, GS.TS Lê Thanh Sơn bày tỏ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhan-luc-nganh-khoa-hoc-co-ban-bat-cap-tu-nhieu-phia-post622940.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhan-luc-nganh-khoa-hoc-co-ban-bat-cap-tu-nhieu-phia-post622940.html
Bài liên quan
Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chưa bắt kịp xu hướng phát triển
Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt cả nhân lực sơ và trung cấp trong vận hành máy móc, phần mềm… do chương trình đào tạo hiện vẫn chưa bắt kịp xu hướng phát triển nhanh về công nghệ thông tin của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Bất cập từ nhiều phía