Ông Đinh Văn Phương, Chuyên viên chính, Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Dự án được triển khai với mục đích nhằm đáp ứng các mục tiêu của chương trình giáo dục cấp tiểu học và thúc đẩy các kĩ năng của học sinh tiểu học ở Việt Nam bằng cách kết hợp phương pháp sư phạm Học thông qua chơi vào trong lớp học. Trong đó có việc nâng cao năng lực giáo viên để lồng ghép Học thông qua Chơi.”
Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ kỳ vọng về việc dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học. Bên cạnh đó, giúp các hoạt động trải nghiệm phương pháp Học thông qua Chơi trên lớp của giáo viên tiểu học thú vị và ý nghĩa hơn. Việc này sẽ tác động tích cực trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trưởng đại diện văn phòng dự án VVOB tại Việt Nam, bà Karolina Rutkowska chia sẻ “Việc cân nhắc khi thiết kế bài dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm sẽ tạo ra tác động tích cực, khi đó thậm chí học sinh có thể giúp dẫn dắt tiết học. Việc đó giúp tăng tính tự chủ của các em học sinh, để các em chủ động học tập và tạo nền tảng học tập suốt đời.
Cách tiếp cận Học thông qua Chơi giúp giáo viên xây dựng và thiết kế kế hoạch bài dạy lấy học sinh làm trung tâm một cách hiệu quả bằng cách lồng ghép các hoạt động học tập mà học sinh có nhiều cơ hội thử nghiệm, được tương tác, tham gia tích cực, vui vẻ và có ý nghĩa. Đó cũng chính là ý tưởng bao trùm về Học thông qua Chơi, một hướng tiếp cận giáo dục dựa trên năng lực người học.”
Sau miền Bắc, các khóa tập huấn cho khu vực miền Trung và miền Nam dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 và tháng 9 năm 2022.
Cùng lúc đó, VVOB đang phát triển khóa học trực tuyến về Học thông qua Chơi để các cán bộ quản lý nhà trường, giáo viên của 55 tỉnh thành có thể tiếp cận nội dung Học thông qua Chơi một cách dễ dàng hơn. Đến cuối năm 2023, dự kiến “Học thông qua Chơi” sẽ tiếp cận được hơn 14,000 trường tiểu học trên phạm vi cả nước, thông qua đó góp phần phát triển các kỹ năng một cách toàn diện cho trẻ.