Nhân viên kế toán trường học mong được quan tâm đúng mức

23/01/2024, 11:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công việc của nhân viên kế toán trường học áp lực cao nhưng lương thấp, nhiều người không thể gắn bó với nghề và phải bỏ việc.

Áp lực cao, lương lại thấp

Chị Nguyễn Thị Hiền – nhân viên kế toán trường học ở tỉnh Nam Định cho biết, hiện nay mỗi trường chỉ có một kế toán duy nhất phải kiêm nhiệm thêm cả công việc văn phòng như soạn thảo văn bản, làm và thu hồ sơ xét duyệt các chế độ của giáo viên, học sinh, lập tờ trình, biên bản liên quan, theo dõi các khoản thu ngoài ngân sách... nên vô cùng áp lực.

Với 15 năm trong nghề, chị Hiền cho rằng chế độ tiền lương của đội ngũ kế toán trường học đang thấp hơn nhiều so với mặt bằng xã hội. Lương không đủ trang trải cuộc sống, kế toán làm việc từ 10 - 20 năm nhưng lương cũng chỉ từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Các chế độ xét chuyển xếp lương cho đội ngũ kế toán trường học chưa kịp thời và thường chậm trễ qua rất nhiều năm. Kế toán trường học cũng không được hưởng phụ cấp công vụ như kế toán các cơ quan khác.

Gắn bó với nghề kế toán trường học ở tỉnh Đắk Lắk hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Liễu chỉ nhận được mỗi tháng hơn 5 triệu đồng tiền lương và phụ cấp trách nhiệm 180.000 đồng.

Cùng trình độ đào tạo và nhiều chứng chỉ, tiêu chuẩn tương đương nhau nhưng giáo viên có thể hưởng hạng 2 với mức lương khởi điểm hệ số 4,0 một cách dễ dàng, nhưng kế toán trường Mầm non, Tiểu học và THCS thì chưa bao giờ được hưởng.

Lý do là vị trí việc làm trong các đơn vị này không có, cao nhất chỉ là hạng 3 hưởng lương khởi điểm hệ số 2,34 trong khi áp lực, yêu cầu về trách nhiệm công việc không khác gì vị trí kế toán ở trường THPT và giáo viên cùng cấp.

“Dù ốm đau hay nghỉ thai sản, chúng tôi vẫn phải làm việc do không có ai làm thay. Rất mong các cấp xem xét tăng lương và bổ sung thêm phụ cấp ưu đãi nghề cho đội ngũ kế toán trường học phù hợp với tính chất công việc và phải chịu trách nhiệm cao trước pháp luật, tương ứng với vị trí việc làm mà kế toán đang đảm nhận để chị em có thể gắn bó với nghề”, chị Liễu bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Hồng – nhân viên kế toán một trường tiểu học ở tỉnh Bắc Giang cho hay, mình làm nghề đã hơn 13 năm và đang hưởng hệ số lương 3,03 cộng với 0,1 phụ cấp trách nhiệm là 5,4 triệu đồng/tháng.

Gia đình đang có hai con nhỏ, chị Hồng phải kết hợp bán hàng online vào buổi tối mới tạm đủ trang trải tiền ăn uống hàng ngày cho con. Chị mong các cấp xem xét để kế toán trường học được nghỉ hưu sớm vì công việc kế toán đòi hỏi sự chính xác và minh mẫn. Nếu yêu cầu họ làm việc tới 60 tuổi mới về hưu thì không thể đảm bảo chất lượng.

Mong chế độ đãi ngộ tương xứng

Có những nhân viên kế toán dù đang nằm viện điều trị bệnh nhưng nếu có báo cáo gấp vẫn phải ngồi dậy mở máy tính để hoàn thiện. Ảnh minh họa: ITN.
Có những nhân viên kế toán dù đang nằm viện điều trị bệnh nhưng nếu có báo cáo gấp vẫn phải ngồi dậy mở máy tính để hoàn thiện. Ảnh minh họa: ITN.

Tương tự, chị Chu Thị Thảo – nhân viên kế toán trường học ở tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện xét thăng hạng cho kế toán kịp thời như xét thăng hạng cho giáo viên, có chế độ tiền lương cho kế toán theo bằng cấp tương đương như bằng cấp của giáo viên.

Đề xuất cấp trên xem xét đưa nghề kế toán trường học vào nhóm nghề độc hại nguy hiểm để có chế độ ưu đãi tương xứng. Đội ngũ này phải liên tục tiếp xúc với máy tính quá lâu, giảm thị lực, đầu óc luôn căng thẳng, áp lực, bị stress, trọng trách nặng nề đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn.

Ở mỗi tỉnh có một loại hỗ trợ riêng cho giáo viên, nhưng các văn bản chưa nhắc gì tới bộ phận kế toán trường học. Nhiều nơi kế toán phải thu tiền, làm các loại sổ sách, thậm chí là gọi điện giục phụ huynh đóng học phí nhưng không hề được hỗ trợ tiền điện thoại.

"Nếu ở doanh nghiệp họ có kế toán các mảng riêng biệt nhưng trường học chỉ 1 kế toán mà phải làm tất cả. Họ không có tiền phụ cấp thừa giờ, nhiều hôm phải đi họp cả thứ 7”, chị Thảo giãi bày.

Ngày 8/11/2023, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có văn bản số 1452 gửi Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang về việc xử lý phản ánh, kiến nghị của đội ngũ nhân viên trường học.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8476 ngày 6/9/2018 như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định về chính sách tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Trung ương, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách tiền lương hiện hành. Do đó, các chính sách về lương, phụ cấp đối với viên chức làm công tác phục vụ trong các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn thực hiện như hiện tại.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chính sách tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ viên chức trong nhà trường, bao gồm cả kế toán, bảo đảm mức lương mới phù hợp với vị trí việc làm tương xứng với tính chất, mức độ phức tạp của nhiệm vụ được giao, đáp ứng phần nào mong mỏi của các nhân viên trong ngành.

"Sở GD&ĐT Bắc Giang cần tiếp tục rà soát, tham mưu tổ chức hoặc tổ chức theo thẩm quyền việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học, góp phần cải thiện chế độ tiền lương cho đội ngũ trên”, văn bản của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nêu rõ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên kế toán trường học mong được quan tâm đúng mức