Huyện Đô Lương là một trong những địa phương có số lượng nhân viên trường học lớn của Nghệ An với hơn 200 người ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Gần đây, nhân viên đang làm các nhiệm vụ như y tế, kế toán, thư viện, văn thư tại các nhà trường vừa có văn bản xin điều chỉnh một số chính sách lương và chế độ khác.
Theo khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương với 87 đơn vị giáo dục cho thấy, tình trạng thiếu biên chế nhân viên trường học đang phổ biến. Chính vì vậy, nhiều trường phải sử dụng nhân viên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ không đúng chuyên môn. Ví dụ kế toán kiêm văn thư, thư viện kiêm thiết bị hoặc y tế… Công việc tuy “nhân đôi” nhưng thu nhập lại thấp, ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm tư người lao động.
Tại huyện Thanh Chương, ông Trần Xuân Hà - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Đội ngũ nhân viên ngành Giáo dục trên địa bàn thiếu trầm trọng. Không ít trường, nhân viên kế toán làm liên trường hoặc kiêm nhiệm. Dù làm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên thêm giờ nhưng thu nhập của đội ngũ nhân viên thấp, hầu như không có phụ cấp khác.
Cô Nguyễn Thị Hội làm nhân viên thư viện kiêm y tế học đường tại Trường THCS Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương) đã 18 năm. Chia sẻ nguyện vọng đợt cải cách tiền lương sắp tới, cô mong nhân viên trường học được tạo điều kiện để đảm bảo cuộc sống. “Tôi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhưng chế độ phụ cấp không tương xứng sức lao động của mình”, nữ nhân viên trường học nói.
Hiện, nhân viên trường học đã biên chế được hưởng lương theo hệ số lương ngạch bậc theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và hưởng thêm một số phụ cấp từ 0,1 (nhân viên kế toán) đến 0,2/tháng (nhân viên thiết bị) hoặc trợ cấp 20% phụ cấp ưu đãi (nhân viên y tế) tùy vị trí. Trong khi đó, với nhân viên văn thư lại không có thêm phụ cấp nào. Còn nhân viên hợp đồng được chi trả theo mức lương tối thiểu vùng III.
Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2023 - 2024, số nhân viên đang làm việc tại nhà trường trên toàn tỉnh là 3.329 người. Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, thực tế các cơ sở giáo dục đều chi trả lương cho đội ngũ nhân viên theo quy định. Tuy nhiên, do lương và phụ cấp của nhân viên trường học thấp nên ảnh hưởng đến tư tưởng.
Các đơn vị cũng đánh giá đây là bộ phận công việc nhiều, áp lực cao nhưng thu nhập không tương xứng. Dù muốn cải thiện lương cho nhân viên, nhưng nhà trường không thể làm trái quy định và không có nguồn kinh phí để chi trả.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam thông tin, qua các đợt khảo sát tại địa phương, Công đoàn ngành nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tập hợp các kiến nghị, đề xuất của nhân viên trường học. Từ đó có căn cứ đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhân viên trường học. Mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ giáo dục của nhà trường và toàn ngành.
Trước đó, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nhận thư của tập thể nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 4 đề xuất: Xem xét được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành hay phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề; Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh và xin xét thăng hạng thay vì thi thăng hạng, không đảm bảo tính công bằng giữa nhân viên lớn tuổi với trẻ tuổi, sự đồng đều giữa các địa phương và không chứng minh được năng lực kinh nghiệm; chính sách tiền lương cho nhân viên kế toán ngành Giáo dục còn thấp so với giáo viên và các vị trí tương tự ở ngành khác, chưa thực sự phù hợp với vị trí việc làm; giáo viên, nhân viên được nghỉ hè, nhưng kế toán vẫn phải đi làm và cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.