Nhanh chóng thay đổi cách dạy học, ôn tập Ngữ văn

14/01/2024, 06:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu năng lực thực chất đã đặt ra từ những năm 2014 - 2015...

Đây là yêu cầu cần thiết, nhất là với kỳ thi lớn. Cần có kho ngữ liệu mới với số lượng càng nhiều càng tốt; bảo đảm nội dung và đầy đủ các loại văn bản, văn học và kiểu văn bản (thông tin và nghị luận) quy định trong Chương trình GDPT 2018.

Ngân hàng ngữ liệu mới có nhiều cấp độ: Ngân hàng của giáo viên, tổ bộ môn mỗi trường, quận/huyện, tỉnh/thành và Bộ GD&ĐT. Càng cấp lớn hơn thì ngân hàng càng cần phong phú. Về nguyên tắc các ngữ liệu trong ngân hàng đề các cấp độc lập với nhau, nếu có trùng, số lượng cũng không đáng kể.

Với giáo viên việc tự sưu tầm ngân hàng ngữ liệu chỉ để có văn bản rèn luyện cho học sinh cách đọc, viết văn bản trong quá trình dạy và học. Nhưng với cấp trường, huyện/thị trở lên, để phục vụ việc ra đề kiểm tra, cần bảo mật ngân hàng ngữ liệu nhằm bảo đảm công bằng khách quan trong đánh giá. Làm ngân hàng ngữ liệu không phải để giáo viên dạy tủ theo ngân hàng ấy, cho học sinh ôn đúng các văn bản trong “gói” ngữ liệu.

Phạm vi, cách ôn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu mới là các thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình chứ không phải nội dung những văn bản cụ thể nào. Giáo viên tập trung ôn và rèn luyện cho học sinh cách đọc hiểu, viết... là chính, để gặp nội dung ngữ liệu nào học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu và tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề.

Hiểu như trên sẽ thấy ngân hàng ngữ liệu rộng, đa dạng và có chất lượng... không ảnh hưởng đến phạm vi và cách thức ôn luyện của giáo viên, học sinh. Vì không chạy theo ôn nội dung nên giáo viên không lo ôn không hết, học sinh không học nổi; cũng không trở lại cách ôn tủ, học thuộc để chép văn mẫu...

Giáo viên cần thay đổi như thế nào?

Để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu và viết của học sinh như đã nêu, giáo viên cần chuyển đổi việc dạy và học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra.

Trước hết cần chuyển từ dạy học theo nội dung sang yêu cầu phát triển năng lực (đọc, viết, nói và nghe). Dạy cho học sinh cách thức đọc các thể loại văn học; cách viết kiểu bài thông dụng mà chương trình đã quy định. Việc ôn luyện cũng không chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu một trong ba loại: Văn bản văn học, nghị luận, thông tin; cách vận dụng phân tích đánh giá một văn bản văn học vào một thể loại, với một ngữ liệu mới cụ thể...

Thứ hai, cần tích lũy thu thập, tuyển lựa các loại văn bản làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá. Đây là công việc đòi hỏi giáo viên làm thường xuyên và cần có ý thức tìm tòi, đọc thêm, sưu tầm, tuyển lựa của mỗi giáo viên.

Văn bản ngữ liệu mới cần đúng thể loại, kiểu văn bản đã học trong chương trình; bảo đảm độ tin cậy (nguồn dẫn chính thức), bảo đảm các yêu cầu như Chương trình GDPT 2018 đã nêu lên. Chú ý độ dài của văn bản cần phù hợp thời gian làm bài. Nếu đề trích văn bản từ một tác phẩm lớn, dài thì cần có tóm tắt ngắn gọn, bảo đảm học sinh biết được bối cảnh để hiểu đúng đoạn trích.

Thứ ba, theo yêu cầu và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT vừa ban hành thì đề thi tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12. Như thế khi ôn tập và rèn luyện cho học sinh, giáo viên cần tập trung vào cách đọc hiểu các thể loại văn học ở lớp 12 như truyện truyền kỳ, truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, thơ hiện đại, hài kịch, nhật ký, phóng sự, hồi ký.

Ngoài ra yêu cầu đọc hiểu còn có văn bản thông tin tổng hợp và văn bản nghị luận (xã hội và văn học). Yêu cầu viết với lớp 12 chủ yếu là viết văn nghị luận với các hình thức khác nhau... Tuy nhiên đề vẫn có thể kiểm tra các yêu cầu thuộc lớp 11, thậm chí lớp 10 cả về nội dung kiến thức và kỹ năng.

Thứ tư, yêu cầu đánh giá và cấu trúc đề với Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa công bố là mô hình tham khảo tốt. Giáo viên khi ôn tập, rèn luyện ra đề ở các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá khác (thi cuối năm, thi vào lớp 10, thi học sinh giỏi các cấp) có thể theo cách thức và yêu cầu ấy. Vì tất cả học chung một Chương trình, hướng tới một mục tiêu dạy và học; học sinh chỉ có thể làm tốt kỳ đánh giá cuối khi các lớp dưới được rèn luyện, làm quen với cách thức của lần thi cuối.

Nói cách khác mục tiêu, yêu cầu của lần thi cuối cấp THPT như cái đích và mô hình cần đánh giá kết quả của việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Vì thế nó chi phối và tác động đến cách thi, kiểm tra, đánh giá của các lớp, cấp. Các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá (kể cả thi học sinh giỏi các cấp) chỉ khác nhau về mức độ yêu cầu (độ khó) và nội dung cụ thể theo quy định của chương trình.

Điểm mới nhất của định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa). Đó là bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng, góp phần khắc phục hiện tượng dạy tủ, học thuộc, chép văn mẫu... Kéo theo sự thay đổi này là cách dạy học, ôn luyện mới (dạy cách đọc, viết). Việc lựa chọn ngữ liệu mới (đúng, hay, phù hợp...) là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng 1 đề thi. Sự thay đổi ấy cần được tuyền truyền, lan tỏa trong nhà trường, xã hội. Nó sẽ mang lại quan niệm đúng và tinh thần dạy học Ngữ văn mới.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhanh-chong-thay-doi-cach-day-hoc-on-tap-ngu-van-post668416.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhanh-chong-thay-doi-cach-day-hoc-on-tap-ngu-van-post668416.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhanh chóng thay đổi cách dạy học, ôn tập Ngữ văn