Nhiều địa phương không dễ bổ sung định biên do nguồn tuyển hạn hẹp

Thế Lượng – Hồ Lài | 20/08/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Việc bổ sung định biên ngành giúp nhiều địa phương giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhưng nguồn tuyển hạn hẹp gây khó cho việc tuyển dụng.

Trong khi đó, ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho hay, địa phương ưu tiên tuyển dụng giáo viên văn hóa tiểu học, vì đang thiếu hơn 300 người mới bảo đảm tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp. “Chúng tôi tuyển dụng trên phạm vi cả nước chứ không giới hạn trong huyện hay trong tỉnh. Chỉ cần đảm bảo điều kiện về bằng cấp, chuyên môn đào tạo theo quy định, huyện sẽ tuyển dụng”.

Chuẩn bị giáo viên cho năm học mới: Vừa mừng vừa lo ảnh 1
Tình trạng học sinh vượt sĩ số trên lớp, do thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Thêm chỉ tiêu có thêm quỹ lương?

Theo ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngành GD Thanh Hóa thiếu gần 9.000 biên chế. Nếu được bổ sung, dự kiến Thanh Hóa được phân bổ khoảng 2.800 – 3.000 người. “Sau khi được phân bổ chỉ tiêu, Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ làm việc với Sở Nội vụ, để bổ sung cho các huyện. Nơi nào thiếu nhiều sẽ phân bổ chỉ tiêu nhiều và ngược lại; Đồng thời, nơi nào có địa bàn khó khăn, gian khổ được ưu tiên hơn”, ông Thức nói.

Mừng vì được bổ sung thêm biên chế nhưng Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng có không ít băn khoăn. Trước tiên là kinh phí cho biên chế. Bởi lẽ, kinh phí đã được cấp theo năm tài chính, nếu phân bổ biên chế, thì kinh phí để trả lương cho biên chế sẽ như thế nào? Tuy nhiên, ông Thức cũng tin tưởng, Nhà nước sẽ có phương án giải quyết phù hợp, để các địa phương không gặp khó vấn đề này.

Tỉnh Nghệ An được phân bổ 2.820 biên chế sự nghiệp giáo dục cho năm học 2022 - 2023. Trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164, tiểu học là 498, THCS là 142 và THPT là 16 biên chế. Ngoài ra còn có nhân viên trong các trường học. Theo lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Nghệ An, khi được giao định biên, cùng với đó Bộ Tài chính sẽ phân bổ ngân sách Nhà nước chi trả lương cho giáo viên về các địa phương. Vì vậy, địa phương sẽ không gặp nhiều khó khăn, thậm chí đỡ “gánh nặng” chi phí sự nghiệp giáo dục hàng năm.

Nghệ An là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhất nước, với trên 7.800 người. Nhiều năm liền không được giao định biên, Nghệ An hiện có hàng nghìn giáo viên “hợp đồng huyện”. Số giáo viên hợp đồng này phần lớn nằm trong tổng định biên giáo dục của địa phương. Nguồn lương chi trả sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm được tỉnh phân bổ về cho các huyện, thành, thị theo năm tài chính.

Về phương án tuyển dụng, Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị các địa phương trong hơn 2.800 định biên được giao, tập trung giải quyết cho hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng. Sau đó ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn mới, môn tích hợp bảo đảm triển khai Chương trình GDPT 2018. Trước đó, HĐND tỉnh Nghệ An thông qua dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ (đã hết hiệu lực từ 31/12/2021).

Theo Nghị quyết, hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh (nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm).

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cho hay, với việc được bổ sung định biên và khi tuyển dụng được hết giáo viên hợp đồng trên vào biên chế, tỉnh sẽ giảm chi phí ngân sách để trả lương. Vì khi đó, lương viên chức sẽ do nguồn ngân sách Nhà nước chi trả.

Huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu hơn 100 biên chế giáo viên của cả 3 cấp học. Ông Mai Xuân Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát - lo ngại: “Nếu các huyện trong tỉnh đều tuyển dụng, liệu giáo viên có lên Mường Lát để tham gia dự tuyển hay không? Đây cũng là bài toán khó, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ của địa phương không có nhiều”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-giao-vien-cho-nam-hoc-moi-vua-mung-vua-lo-post604331.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-giao-vien-cho-nam-hoc-moi-vua-mung-vua-lo-post604331.html
Bài liên quan
Trường công lập ở Nhật bản thiếu giáo viên trầm trọng
Từ khi khai giảng năm học mới vào tháng 4/2022, các trường phổ thông công lập tại Nhật Bản, đặc biệt là các trường tiểu học, phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều địa phương không dễ bổ sung định biên do nguồn tuyển hạn hẹp