Tương tự thịt heo, các loại rau củ quả cũng đều “hạ nhiệt” so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, giá cà chua vào tháng 6/2022 là 50.000 đồng/kg thì nay giảm còn 20.000 đồng/kg, cải xanh 30.000 đồng/kg giảm còn 20.000 đồng/kg, bơ giá 40.000 đồng/kg giảm còn 20.000 đồng/kg, vải và mận hậu giá 50.000 đồng/kg giảm còn 30.000 - 35.000 đồng/kg...
Còn tại các siêu thị, giá các mặt hàng thiết yếu đắt hơn so với giá ở chợ 10 - 30% do chi phí vận hành lớn hơn, chất lượng một số mặt hàng cũng tốt hơn. Tuy nhiên, mức giá ở các siêu thị thời điểm này vẫn được nhiều người tiêu dùng nhận xét là "chấp nhận được" do thấp hơn nhiều so với mức giá của cùng kỳ năm 2022.
Trả lời PV VTC News, đại diện WinCommerce (chủ sở hữu chuỗi WinMart và WinMart+) cho hay, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+ đã giảm rõ rệt so với tháng 6/2022. Giá cả tại các hệ thống siêu thị được điều chỉnh theo mặt bằng chung của thị trường và đảm bảo mức giá tốt nhất khi đến tay người dùng.
Người dân vẫn ngại chi tiền, sức mua giảm
Tuy giá hàng hóa thiết yếu đã giảm rõ rệt nhưng theo nhiều tiểu thương, không vì thế mà họ đắt hàng hơn, sức mua vẫn ở mức thấp. "Hàng hóa rõ rẻ, ngon mà không hiểu sao nhiều hôm tôi vẫn ế hàng. Không chỉ tôi, nhiều người ở chợ này cũng kêu ế. Người bán thì nhiều mà người mua thì ít, có nhiều lúc tiểu thương tự mua đồ của nhau để ủng hộ nhau", chị Thanh, tiểu thương bán rau xanh ở chợ Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
Chị Nguyễn Thanh - tiểu thương bán thịt heo tại chợ Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, dù giá cả hàng hóa đều giảm sâu so với cùng kỳ, nhưng sức mua không tăng nên chị không dám nhập nhiều hàng Tính doanh thu hàng ngày của chị có khi còn không bằng lúc rau củ đắt đỏ.
"Có nhiều hôm tôi ngồi đến 7h sáng vẫn không có ai mở hàng. Có những hôm thì tôi phải ôm gần chục kg thịt về vì tôi vốn chỉ bán nửa ngày, nửa ngày còn lại là chỗ của người khác thuê. Tôi cũng không thể gửi hàng nhờ ai bán, vì ai cũng lo sợ không bán hết. Chúng tôi vẫn thường hỏi vui nhau, không hiểu sao người dân giờ lại chê thịt heo", chị Thanh chia sẻ.
Theo chị, sức mua yếu có thể do mùa nóng, người dân ăn ít hơn, thêm vào đó nguồn cung đang dồi dào nên họ không có nhu cầu mua nhiều, tích trữ. Một lý do quan trọng nữa là nhiều người có tâm lý tiết kiệm hơn trước, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kiếm được đồng tiền không hề dễ.
Tình trạng này cũng diễn ra ở TP.HCM. Bà Trần Thị Thanh, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại khu chợ trên quận 3 cho biết, giá thịt heo đã giảm mạnh so với năm ngoái do giá heo mảnh đã “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, lượng thịt heo tiêu thụ hàng ngày đã giảm so với trước do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
“Trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng 250 kg thịt thì nay chỉ bán được khoảng 160 – 170 kg/ngày. Những loại thịt ngon như ba chỉ hay sườn non cũng bán chậm hơn so với trước”, bà Thanh cho biết.
Tại siêu thị, ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực Miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), thông tin, nhiều mặt hàng rau, củ, quả tại hệ thống siêu thị Co-op đã giảm giá so với lúc cao điểm, thế nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân lại không cao. “Dễ thấy nhất là quả vải, năm ngoái giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, hiện tại chỉ ở mức 20.000 - 40.000 đồng/kg nhưng nhu cầu mua của khách rất thấp".
Còn theo đại diện của WinCommerce, 2023 được dự báo sẽ là một năm nhiều khó khăn. Những tháng đầu năm, WinMart/WinMart+ ghi nhận lượng người mua sắm tăng so với cùng kỳ nhưng giá trị giỏ hàng đã giảm đáng kể so với trước.
Sang quý II/2023, sức mua toàn hệ thống chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt do người dân vẫn mang tâm lý thắt chặt chi tiêu. Chính vì vậy, WinCommerce đang liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi 2 kỳ 1 tháng, chương trình hội viên WIN với nhiều ưu đãi nhằm kích cầu mua sắm, cải thiện doanh thu.