TS Mai Hải Châu - Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Lâm Nghiệp tại Đồng Nai - cho rằng, việc nhiều ngành học thuộc lĩnh vực trọng yếu của đất nước nhưng khan hiếm người học có nguyên nhân từ nhiều phía. Trong đó, một phần từ sự hiểu biết chưa đầy đủ, đúng đắn của người học về các ngành trên. Mặt khác, công tác hướng nghiệp và định hướng nghề trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 chưa toàn diện, đầy đủ đã dẫn đến cái nhìn thiếu tích cực về một số ngành nghề có tính đặc thù.
Công tác tư vấn hướng nghiệp đóng vai trò dẫn dắt rất lớn cho việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh. |
“Là nước nông nghiệp, dân số và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ trọng yếu. Tuy vậy, khi nói đến tác động của cuộc cách mạng 4.0, sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng số hóa, công nghệ thông minh dẫn dắt… hoạt động truyền thông và tư vấn đã có sự định hướng chưa rõ ràng. Cách mạng công nghiệp ở mọi mặt của đời sống xã hội, nó len lỏi và tác động ở mọi ngành nghề chứ 4.0 đâu chỉ có công nghệ thông tin, IT, trí tuệ nhân tạo… 4.0 còn có thể là sự bùng nổ ở nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học…”, TS Mai Hải Châu nói.
Thực tế, trong 4 - 5 năm trở lại đây, những ngành khan hiếm người học phần nhiều liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế nông nghiệp cây trồng, nông lâm thủy sản của nước ta như: Chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học hay quản lý tài nguyên môi trường, lâm sinh…
Theo TS Hải Châu, những ngành học này trong bối cảnh đất nước hội nhập, tiệm cận với thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang chuyển mình rất mạnh mẽ. Tuy vậy, với tên gọi đặc trưng và môi trường công tác của nghề, sức hút của nhóm ngành trên so với những nhóm ngành phát triển dựa trên nền tảng lõi của công nghệ (công nghệ thông tin, thương mại điện tử, AI, khoa học máy tính…) vẫn kém sức hấp dẫn với thí sinh.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhìn nhận, đã đến lúc phụ huynh, thí sinh phải thay đổi quan niệm cho rằng học nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp hay môi trường thì khó xin việc, hoặc chỉ có thể làm nông nghiệp, kiểm lâm hay nhân viên nhà máy gỗ. Không ít người chưa hiểu được tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp cũng như nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Hiện nay, nhóm ngành chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên rừng hay quản lý tài nguyên môi trường được doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đặt hàng đào tạo rất lớn. Nhóm ngành này ngoài việc được doanh nghiệp săn đón từ khi bắt đầu đào tạo, sinh viên còn có cơ hội nhận học bổng toàn phần hoặc bán phần nếu đồng ý sau khi ra trường công tác tại đơn vị đặt hàng một khoảng thời gian nhất định.
“Mức thu nhập của người làm lĩnh vực chế biến lâm sản hay công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao đều rất cao, dao động từ 8 - 14 triệu đồng/sinh viên/tháng khi mới ra trường. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước trong bối cảnh cạnh tranh vị trí việc làm trong khu vực khá gay gắt”, TS Trần Đình Lý cho biết.
Chúng ta định hướng việc phải giữ cho được 42% diện tích bao phủ của rừng để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia và phòng chống thiên tai, thế nhưng lại thiếu đi chính sách mang tầm vĩ mô về việc đào tạo, thu hút, đãi ngộ cho nhóm ngành nghề có tính đặc thù, trọng yếu của đất nước thì làm sao thu hút người học. Một cử nhân quản lý tài nguyên rừng sau 4 năm học tập, ra công tác ở môi trường nhiều rủi ro và khó khăn nhưng thu nhập chỉ ở mức 5 - 6 triệu đồng/tháng thì rất khó để hút được người học. - TS Mai Hải Châu