Bên cạnh đó, có sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo nhằm thu hút những thí sinh giỏi nhất. Các trường đưa ra những chính sách trong tuyển sinh, đào tạo như: cơ chế học bổng…
Ngoài ra, một số ngành thiếu sự hấp dẫn về cơ hội việc làm cũng sẽ tuyển sinh kém. “Vấn đề này cần sự hỗ trợ của rất nhiều Bộ ngành, các địa phương cùng chung tay giải quyết mới có thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho sự phát triển kinh tế xã hội” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ.
Nhiều năm làm tuyển sinh, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận thấy, những ngành nghề liên quan đến “công nghệ 4.0” nổi lên như: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử… Tuy nhiên, những ngành này không phải nổi lên giống như một “trào lưu, mốt mới” mà là từ nhu cầu của thực tiễn.
“Khi lựa chọn ngành để theo học, thí sinh không nhất thiết phải căn cứ vào ngành đó “hot” hay “không hot”. Các em phải xem bản thân có phù hợp hay không. Trong xu hướng công nghệ 4.0, tất cả lĩnh vực đều có xu hướng liên quan đến công nghệ thông tin, không nên bóc tách riêng ra” - PGS.TS Phạm Văn Bổng tư vấn.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, tâm lý của thí sinh có vẻ không thích một số ngành, lĩnh vực nên các em ít lựa chọn theo học. Song những ngày này nhu cầu xã hội vẫn cần.
“Ngay ở trường chúng tôi, trước đây có những ngành mà doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng sinh viên, nhưng cũng không đủ số lượng cho họ tuyển dụng” - PGS.TS Phạm Văn Bổng cho hay.
Nhắn nhủ với thí sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, có những ngành có bề dày truyền thống, vẫn đang đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Cơ hội việc làm không chỉ là cơ hội ngắn hạn, mà nó còn là cả một chặng đường phát triển lâu dài.
Bản thân thí sinh cần xem mình đam mê, yêu thích ngành nào, trên cơ sở đó trang bị thêm kiến thức về chuyên môn. Khi các em trở thành chuyên gia giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào, chắc chắn các em sẽ được trọng dụng và có được vị trí, việc làm thoả mãn đam mê, cũng như đáp ứng nhu cầu về vật chất.
Thí sinh cần ghi nhớ một số điều khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7.