Nhiều tỉnh chú trọng trải nghiệm hướng nghiệp trong nhà trường

Quốc Ngữ | 30/12/2022, 11:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được nhà trường linh động thực hiện, đảm bảo mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho HS khi còn trên ghế nhà trường.

Linh động triển khai

Chương trình GDPT 2018 triển khai ở bậc THPT từ lớp 10 đã đưa hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một trong 8 bộ môn, hoạt động bắt buộc. Theo quy định, hoạt động này có tổng số 105 tiết, thực hiện cho 35 tuần thực học.

Ở năm đầu tiên triển khai đối với lớp 10, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có nhiều điểm mới. Mỗi nhà trường và giáo viên dù có những băn khoăn, bỡ ngỡ nhưng đã có những tìm hiểu, chuẩn bị và cùng nhau xây dựng, thực hiện kế hoạch giảng dạy sao cho bám sát với tinh thần của hoạt động này.

Căn cứ vào nhân sự mà mỗi trường bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp, việc sắp xếp đảm bảo hài hòa quyền lợi của người học, người dạy. Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Sở có hướng dẫn thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Theo đó, lãnh đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí trong mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học. Bố trí thời gian thực hiện linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của trường, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đều ở tất cả các tuần.

Kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có sự phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018 là hoạt động giáo dục bắt buộc, không có giáo viên riêng để thực hiện. Lãnh đạo đơn vị phân công giáo viên, cán bộ quản lý tham gia thực hiện phù hợp với năng lực. Bố trí thực hiện các hoạt động trong khung chương trình chính khóa được thể hiện trong kế hoạch giáo dục, trên thời khóa biểu của nhà trường và được quản lý như các môn học khác. Giáo viên chủ nhiệm lớp nếu được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo kế hoạch của trường thì nhiệm vụ đó không trùng với hoạt động chủ nhiệm lớp.

Các đơn vị tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học, theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường. Loại hình hoạt động chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Giờ sinh hoạt dưới cờ và giờ sinh hoạt lớp có thể được dùng để tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhưng không đồng nghĩa với việc tất cả các giờ sinh hoạt lớp và sinh hoạt dưới cờ đều là giờ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, lực lượng tham gia, phối hợp tổ chức gồm giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, cán bộ Đoàn, cán bộ Hội, cán bộ phụ trách Đội, cán bộ quản lý nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội...

Nhiều tỉnh chú trọng trải nghiệm hướng nghiệp trong nhà trường ảnh 1

HS TP Cần Thơ trong hoạt động trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch.

Chú trọng bố trí giáo viên

Tại tỉnh Tiền Giang, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả giáo viên chủ nhiệm về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ngoài ra, trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hướng dẫn sử dụng tài liệu hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho giáo viên chủ nhiệm.

Hiện nay, ở hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đều phân công giáo viên chủ nhiệm thực hiện hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên dạy hoạt động này cần chú ý với năng lực, sở trường gắn với khoa học các bộ môn giáo viên đang đảm nhận phù hợp chủ điểm (cân đối số tiết thực hiện của giáo viên cho phù hợp). Các giáo viên đã dạy đủ số tiết quy định, nếu được phân công thực hiện các hoạt động này vẫn được tính giờ.

Căn cứ vào chủ điểm, nội dung chủ điểm mà xây dựng hình thức tổ chức phù hợp theo quy mô các hoạt động để có sự phối hợp lực lượng tổ chức hoạt động có hiệu quả, thu hút học sinh. Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động này theo quy định và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên để phát huy hiệu quả hoạt động giáo dục, thu hút học sinh, giáo dục tốt kỹ năng sống cho học sinh.

Theo chia sẻ của các giáo viên, tùy theo tình hình thực tế của nhà trường, địa phương để xây dựng kế hoạch cũng như phân phối chương trình phù hợp, vì đây là chương trình mang tính mở. Để tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn để giáo viên được học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như kỹ năng tổ chức; Cung cấp thêm thông tin, tài liệu để thầy cô tham khảo giúp quá trình thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, bộ sách giáo khoa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hướng dẫn học sinh cách rèn luyện các kỹ năng khác nhau. Khi học sinh được chuẩn bị về kỹ năng (thông qua tiết hoạt động giáo dục hàng tuần theo thời khóa biểu), các em sẽ tham gia hiệu quả hơn với hoạt động thực tế mà nhà trường tổ chức ở quy mô lớn hơn...

Bài liên quan
Tránh 'biến tướng' khi hướng nghiệp
Công tác tư vấn, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 là việc làm thường niên đối với các trường THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều tỉnh chú trọng trải nghiệm hướng nghiệp trong nhà trường