(GDTĐ) - Mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2025 ghi nhận hàng loạt trường THPT trên cả nước có điểm chuẩn đầu vào ở mức rất thấp, chỉ khoảng 3 điểm mỗi môn, thậm chí có nơi chưa đến 1 điểm/môn.
Đây là năm đầu tiên áp dụng cách tính điểm xét tuyển thống nhất trên toàn quốc, không nhân hệ số và tối đa là 30 điểm cho ba môn: Toán, Ngữ văn và môn thứ ba.
Tại Đắk Lắk, điểm chuẩn nguyện vọng 1 cho thí sinh dân tộc thiểu số dao động từ 3,5 đến 10,5 điểm, trong khi nhóm thí sinh còn lại là từ 2,5 đến 19,5. Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ cũ) lấy mức điểm chuẩn chỉ 2,5 – tương đương chưa tới 0,8 điểm mỗi môn. Ngoài ra, hơn 20% số trường THPT ở tỉnh này có điểm chuẩn dưới 5, như THPT Krông Bông (2,75 điểm), THPT Cao Bá Quát và Phan Đăng Lưu (cùng 3,75), THPT Cư M’gar (4,5), THPT Lê Hữu Trác (4,25)...
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Nghệ An. Trường THPT Nam Đàn 2 thông báo điểm chuẩn đợt 2 là 2,5 điểm, giảm 7 điểm so với đợt 1 và hiện là mức điểm thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT Nghệ An – đây chỉ là điểm chuẩn của thí sinh có điểm thấp nhất trúng tuyển. Trung bình điểm xét tuyển vào trường này vẫn trên 15 điểm, cho thấy chất lượng đầu vào không hề thấp như con số điểm chuẩn thể hiện.
Nhiều tỉnh, thành khác cũng ghi nhận mức điểm chuẩn thấp kỷ lục. Tại Lai Châu, THPT Dào San dự kiến lấy 4,75 điểm. Quảng Ninh có THPT Bình Liêu lấy 4,6 điểm, THPT Đông Triều 5,5 và THPT Hải Đảo 6,6. Ở Quảng Nam, 7 trong số 48 trường THPT có điểm chuẩn dưới 10 điểm, thấp nhất là THPT Khâm Đức với 8,85 điểm. Bình Định có tới 26/44 trường lấy điểm chuẩn dưới 10, trong đó THPT Trần Quang Diệu chỉ lấy 5 điểm – tương đương khoảng 1,6 điểm mỗi môn. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đồng Nai với nhiều trường lấy điểm đầu vào dưới 9,5 điểm
So với các năm trước, số trường lấy điểm chuẩn dưới 10 tăng mạnh, đồng thời mức điểm cũng giảm sâu. Điển hình như tại Đắk Lắk, nếu năm ngoái mức điểm 5 cho ba môn đã được coi là thấp kỷ lục thì năm nay đã giảm xuống chỉ còn 2,5 điểm. Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: tỷ lệ học sinh được vào công lập khá cao (khoảng 80%) và phần lớn học sinh tại các trường điểm chuẩn thấp là người dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn trong học tập.
Tại Nghệ An và Quảng Nam, điểm chuẩn thấp cũng là điều đã được dự báo từ trước. Năm nay, Nghệ An giảm gần 5.000 thí sinh so với năm ngoái, trong khi chỉ tiêu không thay đổi. Quảng Nam giảm 6.000 thí sinh nhưng lại tăng tỷ lệ vào lớp 10 công lập từ 80 lên 86%, dẫn đến điểm chuẩn giảm.
Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, các địa phương có thể lựa chọn thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai hình thức để tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong số 63 tỉnh, thành phố cũ, có 59 địa phương tổ chức thi tuyển, chủ yếu chọn môn thứ ba là Tiếng Anh, trừ một số nơi như Hà Giang chọn bài thi tích hợp gồm Lịch sử và Địa lý. Một số địa phương như Cà Mau, Vĩnh Long, Gia Lai và Lâm Đồng áp dụng xét tuyển theo học bạ cho hệ đại trà.
Việc nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp đang đặt ra thách thức cho ngành giáo dục trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao hiệu quả dạy học tại các địa phương vùng khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để hệ thống giáo dục điều chỉnh phù hợp với thực tế và xây dựng các chính sách hỗ trợ sát với từng nhóm đối tượng học sinh.