(GDTĐ) - Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 và điểm chuẩn của các trường công lập vào tối 4/7, hàng loạt trường tư thục cũng nhanh chóng công bố điểm chuẩn và bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh. Đáng chú ý, không ít trường ngoài công lập đưa ra mức điểm chuẩn cao ngang ngửa, thậm chí vượt một số trường công lập top đầu của thành phố.
Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh hiện đang dẫn đầu khối tư thục về mức điểm chuẩn, với 24,5 điểm áp dụng cho cả hai cơ sở. Với cách tính tổng điểm ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, thí sinh phải đạt trung bình khoảng 8,2 điểm mỗi môn mới có thể trúng tuyển. So với 115 trường công lập tại Hà Nội, mức điểm này tương đương với nhóm 8 trường có điểm đầu vào cao nhất.
Trường Marie Curie cũng công bố điểm chuẩn theo ba mức: 23 điểm cho cơ sở Mỹ Đình, 22 điểm cho Văn Phú và 21 điểm cho Việt Hưng. Đây là đợt tuyển sinh đầu tiên, và trường dự kiến sẽ tổ chức đợt hai nếu còn chỉ tiêu, với mức điểm giảm khoảng 1 điểm so với đợt một. Với điểm chuẩn 23, cơ sở Mỹ Đình của Marie Curie hiện tương đương với vị trí thứ 17 trong nhóm các trường công lập có điểm trúng tuyển cao.
Bên cạnh đó, nhiều trường tư khác cũng đưa ra điểm chuẩn trên 20, cho thấy sự cạnh tranh không kém gì khối công lập. Các trường như FPT, Archimedes Đông Anh và Ngôi sao Hoàng Mai cùng lấy 22 điểm, trường Newton lấy 21,5 điểm, và Lý Thái Tổ lấy 20 điểm. Điểm chung của các trường này là đều sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm căn cứ xét tuyển, bên cạnh hình thức xét học bạ hoặc thi riêng.
Về học phí, phần lớn các trường ngoài công lập sử dụng chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trong danh sách những trường có điểm chuẩn cao, phần lớn thu học phí dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, một số trường như Hà Nội Academy, Archimedes Đông Anh, các hệ chất lượng cao của Nguyễn Siêu, Đa Trí Tuệ và Marie Curie có mức học phí cao hơn. Ngoài khoản học phí chính, phụ huynh còn cần chuẩn bị thêm chi phí nhập học, phí ghi danh, xe đưa đón, đồng phục, cơ sở vật chất, cũng như các khoản bổ trợ học tập như tiếng Anh và Toán. Tổng các khoản này có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Năm học 2024 – 2025, Hà Nội có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 em so với năm ngoái. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ khoảng 64% trong số này có cơ hội vào học tại các trường công lập. Số còn lại sẽ theo học tại các trường tư thục, hệ giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Chỉ tiêu dành cho nhóm trường tư thục được xác định vào khoảng 30.000 học sinh.
Với các học sinh trúng tuyển và lựa chọn học tại trường tư, thời hạn xác nhận nhập học và nộp hồ sơ được ấn định chậm nhất là ngày 22/7. Điều này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra áp lực lớn cho phụ huynh trong việc chọn trường phù hợp, cân đối giữa năng lực học tập, chi phí và chất lượng giáo dục.