Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao với phát triển giáo dục mầm non

Hà An | 22/09/2022, 18:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chủ trì phiên thảo luận, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận và đánh giá cao 25 phát biểu của đại diện Ngân hàng Thế giới và các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, GD mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, góp ý: Đề nghị xem xét điều chỉnh một số mục tiêu tại Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, cụ thể: Huy động trẻ, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ Cao đẳng sư phạm, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

Về giải pháp, bà Hà kiến nghị: Phát triển đội ngũ GV, nhân viên, đề nghị bổ sung nội dung: Tham mưu xây dựng chính sách đối với đội ngũ theo hướng chính sách đặc thù, môi trường làm việc đối với đội ngũ. Giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền. Đề nghị xác định là giải pháp đầu tiên. Lộ trình thực hiện, đề nghị giảm số đơn vị cấp tỉnh đạt Phổ cập cho trẻ mẫu giáo từ 39 xuống 24 tỉnh (năm 2025). Trách nhiệm các Bộ, ngành, đề nghị bổ sung trách nhiệm Bộ Công an để hỗ trợ cho công tác điều tra phổ cập. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về các tỷ lệ theo vùng miền, khu vực thay vì chỉ dùng một tỷ lệ cho các tỉnh, các vùng miền.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao với phát triển giáo dục mầm non  ảnh 4

Các góp ý, đề xuất của đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Phát biểu của đại diện World Bank khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo giáo viên trong giáo dục mầm non khi chia sẻ thông tin trên thế giới đào tạo giáo viên ở các quốc gia đều dành tối thiểu 1 năm để thực hành chuyên môn. Điều này cho thấy các quốc gia đều có nhận thức về tầm quan trọng của đội ngũ này. Ngoài 1 năm chuyên ngành đào tạo thực hành chuyên môn GDMN, nội dung chương trình đào tạo còn phát triển chuyên ngành. "Tôi cho rằng cần cân nhắc công cụ đào tạo GDMN và Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chuẩn GVMN chất lượng" - Đại diện World Bank nhấn mạnh.

Tiếp thu, lắng nghe và chỉnh sửa

Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh cho biết: Thường trực ban soạn thảo lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của địa phương. Trả lời một số ý kiến của đại biểu, ông Minh nhấn mạnh hành lang pháp lý, theo đó trong tháng 10 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, thông tư hướng dẫn thực hiện đề án. Trong 2025 trình Quốc hội đưa vào để thông qua.

Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho rằng, cách tiếp cận phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo, công tác phổ cập cần xác định tập trung vào việc đảm bảo chất lượng. Giải pháp đưa ra cần quan tâm đến chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất, quản lý. Ngân hàng thế giới có lời khuyên đúng, cần chuẩn hóa, có công cụ đánh giá đội ngũ GV. "Đến thời điểm này, chúng ta cũng đã có các công cụ chuẩn hóa theo quy định, thời gian tới cần điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Chỉ số mục tiêu được các đại biểu ý kiến, ban soạn thảo sẽ rà soát cho phù hợp.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao với phát triển giáo dục mầm non  ảnh 5

Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh ghi nhận những ý kiến đề xuất của đại biểu.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao các ý kiến đóng góp chất lượng, giúp ban soạn thảo, tổ biên tập có thêm cái nhìn đầy đủ trong việc hoàn thiện xây dựng 2 Đề án. Thứ trưởng chỉ rõ: Trách nhiệm đặt lên vai ban soạn thảo, mục tiêu đưa ra, giải pháp nhiệm vụ phải rõ ràng. Chúng ta phải nêu được thực trạng, bất cập và nguyên nhân để đưa ra giải pháp. Chất lượng của đề án cần quan tâm sâu tới đối tượng thụ hưởng, vùng khó khăn là vùng nào, những nội dung phải được chỉ rõ. Hai đề án có bổ trợ nhau, rà soát các chỉ tiêu là cần thiết, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể.

Yêu cầu Vụ GDMN và thường trực ban soạn thảo tiếp thu, chọn lọc các ý kiến, đồng thời giải trình và đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng đối tượng, phải gắn với chất lượng. Cần bổ sung kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu Ngân hàng thế giới đã chỉ rõ, chúng ta cũng phải có công cụ đo lường, điều này phải tính đến. Tiêu chuẩn trường lớp, trường chuẩn, nhóm lớp thế nào. Đội ngũ là quan trọng, cần có cơ chế chính sách thế nào, tạo nguồn ra sao, chế độ lương, giờ dạy, quy định số cô trên lớp/nhóm trẻ, quy định về chuẩn trường, nhóm lớp thế nào. Các cơ sở GDMN đang thực hiện nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thế nào, mô hình đang có đưa vào Đề án ra sao cần phải làm rõ.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao với phát triển giáo dục mầm non  ảnh 6

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu kết luận Hội thảo.

Thứ trưởng lưu ý ban soạn thảo: Đưa ra chi tiết đồng thời thể hiện bám sát mục tiêu. Xã hội hóa GDMN, cần phải phát triển trường ngoài công lập, tạo điều kiện chính sách đất đai cho phát triển. Phát triển trường tư để kéo giãn học sinh và giáo viên nhưng phải công bằng với trường công, phải tiếp cận trên cơ sở công bằng không để trẻ em bị bỏ lại phía sau, lồng ghép cơ chế để tháo gỡ khó khăn. Các ý kiến đã đi thẳng vào vấn đề, cần rà soát để đưa ra lấy ý kiến bộ, ngành đảm bảo các hướng tiếp cận công bằng, để hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn thành công, góp sức hòa đồng với Phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi.

Phải tính toán sao cho phù hợp các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và công tác xã hội hóa. Thực hiện xã hội hóa phải kết nối, chuyển đổi số, trong đó kết nối các nguồn lực, kết nối đến đâu hỗ trợ đến đấy. Công nghệ tạo sự kết nối để thu hút các nhà đầu tư hỗ trợ các trường mầm non. Rất nhiều vấn đề đặt ra, vấn đề đội ngũ, trường lớp, nhóm lớp, mô hình đạt chuẩn, tính khả thi của tiêu chí và giải pháp phải phù hợp, chú trọng đào tạo bồi dưỡng giáo viên để tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em dân tộc thiểu số. Đề nghị Vụ GDMN phối hợp với Ngân hàng Thế giới để hoàn thiện các Đề án, các địa phương nỗ lực quyết tâm thực hiện trong đổi mới sáng tạo để GDMN khởi sắc đạt kết quả cao. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-trach-nhiem-cao-voi-phat-trien-giao-duc-mam-non-post609014.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-trach-nhiem-cao-voi-phat-trien-giao-duc-mam-non-post609014.html
Bài liên quan
Đổi mới chất lượng giáo dục mầm non vùng khó Gia Lai
Giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao với phát triển giáo dục mầm non