Công nhân cùng máy móc làm việc trên những mỏm núi cheo leo.
Những con đường dốc đứng được bạt thoải để cho những chiếc xe đầu kéo tải trọng lớn trườn bò chở đá ra khỏi mỏ về xưởng để chế tác.
Đứng ở dưới nhà dân cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những ngọn núi đang bị đào khoét nham nhở.
Từ khi các mỏ khoáng sản rầm rộ hoạt động, những quả đồi, nhiều ngọn núi ở huyện Quỳ Hợp bị “xẻ thịt, lóc da”, để lại chằng chịt những “vết thương”.
Xung quanh các khu mỏ, sau khi đào cắt núi lấy những phần đá đẹp đi bán, một lượng lớn đất đá thải được các chủ mỏ đổ bạt ngàn xuống dưới chân núi. Một số chủ mỏ đổ thải ra ngoài diện tích được cấp phép, ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và cuộc sống môi trường xung quanh.
Quá trình chế biến khoáng sản sẽ tạo ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiếng ồn … ảnh hưởng rất lớn đến người dân trên địa bàn. Đơn cử như năm 2020, tại một số bản của xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) bất ngờ xuất hiện những “hố tử thần” sụt lún trên các cánh đồng rồi đến sụt lún nhà dân. Toàn bộ giếng nước của người dân bị cạn trơ đáy. Nguyên nhân được xác định do tụt nguồn nước ngầm và ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản. Sau khi công ty Tân Hoàng Khang đóng gần đó dừng bơm hút nước ngầm để khai thác quặng, tình trạng sụt lún không còn xảy ra.
Theo lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, hiện có 78 mỏ đã hết hạn, trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, 11 mỏ được cấp lại, 14 mỏ đang thực hiện trình tự thủ tục cấp lại…
Thời gian qua, mặc dù giấy phép hoạt động vẫn còn nhưng một số mỏ đã dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Trong đó có lý do về khai thác sản xuất, trữ lượng, giá trị sản phẩm không được như đánh giá ban đầu; thị trường đầu ra và có cả những nguyên nhân về chi phí hoạt động quá lớn dẫn đến nhiều đơn vị dừng hoạt động.
Nhiều khu mỏ im lìm, có dấu hiệu ngừng hoạt động từ lâu.
Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có hơn 150 xưởng chế biến khoáng sản đá từ các mỏ đưa về, trong đó có gần 50 xưởng sản xuất theo hộ kinh doanh. Hầu hết các nhà xưởng chế biến đá nằm trong các cụm công nghiệp. Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, thực trạng môi trường của khai thác khoáng sản vẫn có những tồn tại.
Phó Chủ tịch huyện Quỳ Hợp khẳng định trên địa bàn hiện không có tình trạng thổ phỉ (khai thác trộm). Vừa qua, huyện đã cho rà soát toàn bộ mốc giới mỏ để quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện doanh nghiệp lấn ra ngoài ranh giới được cấp phép. “Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm túc, cương quyết mạnh tay, không có vùng cấm, không ngoại lệ đối với bất cứ trường hợp nào”, ông Trần Đức Lợi nói và cho biết, 7 tháng đầu năm, huyện này đã xử phạt các doanh nghiệp khai thác mỏ 2,7 tỷ đồng với các hành vi vi phạm về môi trường, ranh giới đất đai... Ở năm 2021 và 2022, số tiền phạt các doanh nghiệp vi phạm cũng gần 3 tỷ đồng.