Nhóm sinh viên lắp đặt máy bán thuốc tránh thai khẩn cấp trong trường

PV | 02/02/2023, 13:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau những nỗ lực, nhóm sinh viên đã lắp đặt máy bán thuốc tránh thai khẩn cấp trong khuôn viên trường đại học tại Washington (Mỹ).

Thuốc tránh thai khẩn cấp được bán với giá 30 USD trong khuôn viên trường đại học. Ảnh: Motherhow.

Aiza Saeed - sinh viên năm cuối, Đại học George Washington (Mỹ) - liên tục kéo bạn bè xuống tầng hầm của một tòa nhà trong trường đại học. Sinh viên này hào hứng giới thiệu cho bạn học chiếc máy bán hàng tự động mới.

Ở đó, thuốc tránh thai khẩn cấp được bán với giá 30 USD. Chiếc máy bán tự động đảm bảo những viên thuốc được giữ ở nhiệt độ thích hợp, cung cấp các thông tin cảnh báo và không được bán nếu hết hạn.

Máy bán thuốc tự động

Theo USA Today, Hội Sinh viên Đại học George Washington (GW) là tổ chức khởi xướng sáng kiến này. Theo đó, máy bán thuốc tự động được đặt dưới tầng hầm - một địa điểm kín đáo nhằm giúp sinh viên thoải mái hơn khi mua thuốc.

Máy này sẽ cung cấp các loại thuốc không cần kê đơn như thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt và băng vệ sinh. Giá cả cho các sản phẩm được bán trong chiếc máy này khá cạnh tranh hoặc rẻ hơn so với các quầy thuốc bên ngoài.

Được biết, trung tâm y tế của trường đại học cung cấp thuốc tránh thai khẩn cấp, tuy nhiên, thời gian hoạt động của trung tâm hạn chế. Sinh viên cũng có thể mua thuốc bên ngoài khuôn viên trường, song mức giá sẽ cao hơn tại máy bán hàng tự động. Ngoài ra, hầu hết sinh viên đều không có xe hơi, trong khi quãng đường từ hệ thống trường đến các hiệu thuốc khá xa.

Christian Zidouemba, Chủ tịch Hội sinh viên tại GW, cho biết các chuẩn mực đạo đức, văn hóa đã khiến một số sản phẩm sức khỏe như thuốc tránh thai khẩn cấp trở thành điều cấm kỵ. Tuy nhiên, Zidouemba tin rằng việc tiếp cận chúng là điều quan trọng với sinh viên.

"Nhìn chung, phản ứng của đa số sinh viên là cần thứ này trong khuôn viên trường hoặc nơi ở như ký túc xá. Tuy nhiên, thứ sinh viên cần đảm bảo là chi phí rẻ và kín đáo hơn để mua nó", Zidouemba nói với Washington Post.

Neharika Rao, sinh viên năm thứ 2 tại GWU, người dẫn đầu dự án này, cho biết việc lắp đặt máy bán thuốc tránh thai tự động trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi Tòa án tối cao Mỹ cho phép các bang tùy ý quyết định cấm hay cho phép phá thai.

Rao và Aiza Saeed đã khởi xướng dự án bằng cách khảo sát 1.500 sinh viên và nhận được đa số ủng hộ.

“Mục tiêu chính mà chúng tôi đặt ra cho dự án này là giúp xóa bỏ sự kỳ thị xung quanh các biện pháp tránh thai và quyền sinh sản", Rao nói.

Tiếp cận dễ dàng

Theo Viện Guttmacher (Mỹ), trong nhiều thập kỷ qua, các bang đã cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai khẩn cấp bằng cách loại trừ nó khỏi các chương trình trợ cấp y tế hoặc cho phép dược sĩ từ chối cung cấp dịch vụ tránh thai.

Bà Kelly Cleland, CEO của Hiệp hội Tránh thai Khẩn cấp Mỹ, cho biết các máy bán thuốc tránh thai tự động sẽ giúp sinh viên mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm.

“GW là trường đại học thứ 32 mà tôi biết có máy bán thuốc tránh thai khẩn cấp. Những nỗ lực như lắp đặt máy bán hàng tự động là một phần quan trọng trong giải pháp giảm thiểu rào cản tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản", bà Cleland nhận định.

Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, khoảng 1/4 phụ nữ nói rằng họ đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp vào một thời điểm nào đó.

Bà Cleland cho biết biện pháp tránh thai khẩn cấp có thể ngăn ngừa mang thai ngay sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Đây là một phần quan trọng trong chuỗi chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là khi quyền phá thai đang bị hạn chế tại Mỹ.

“Việc tiếp cận với biện pháp tránh thai khẩn cấp không có rào cản là điều cần thiết”, bà Cleland nói.

Tại Mỹ, thuốc tránh thai khẩn cấp được bán không cần kê đơn kể từ năm 2014. Tháng 12/2022, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khẳng định các sản phẩm thuốc tránh thai khẩn cấp không ngăn cản trứng đã thụ tinh (hợp tử) làm tổ trong tử cung. Từ đây, cơ quan này nhấn mạnh thuốc tránh thai khẩn cấp không thể được ghi là thuốc phá thai bên ngoài bao bì.

Trước đó, các sản phẩm thuốc tránh thai khẩn cấp mang nhãn hiệu Plan B One-Step đã đề trên bao bì rằng thuốc có thể ngăn hợp tử làm tổ trong tử cung.

Cách mô tả này đã gây ra nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp có thể tương đương hành vi phá thai, dẫn đến sự chỉ trích từ các nhóm phản đối phá thai ở Mỹ.

Bài liên quan
Nam sinh lớp 9 ở Hải Dương đi cấp cứu vì uống nhầm 21 viên thuốc tránh thai
Nam sinh bị viêm họng, ho và được mẹ mua cho 2 gói thuốc về trị. Do không để ý, nam sinh đã lấy nhầm vỉ thuốc tránh thai mẹ để cùng túi thuốc trị ho và uống khiến gia đình lo lắng, đưa vào viện cấp cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm sinh viên lắp đặt máy bán thuốc tránh thai khẩn cấp trong trường