Giáo dục

Nhóm sinh viên phát triển ứng dụng ngăn ngừa sa sút trí tuệ

02/07/2024 07:42

Nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, đã phát triển thành công ứng dụng rèn luyện ngăn ngừa sa sút trí tuệ cho người Việt, có tên là BrainTrain.

Ứng dụng cho phép bệnh nhân rèn luyện nhận thức mọi lúc mọi nơi, có thể chia sẻ dữ liệu rèn luyện trực tuyến đến bác sĩ của họ, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển.

Rèn luyện trí nhớ mọi lúc, mọi nơi

Nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM đã phát triển thành công ứng dụng rèn luyện ngăn ngừa sa sút trí tuệ cho người Việt có tên là BrainTrain.

Sinh viên Nguyễn Thành Nhân, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, sa sút trí tuệ (Alzheimer Disease - AD) được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến gần 115,4 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2050, gây gánh nặng cho nền kinh tế.

Đến năm 2030, gần 68% các trường hợp AD sẽ ở các nước có thu nhập trung bình thấp, kể cả Việt Nam. Tình trạng này đòi hỏi các biện pháp can thiệp nhận thức hiệu quả, tập trung vào giai đoạn tiền sa sút trí tuệ, còn được gọi là Suy giảm nhận thức nhẹ (Mild Cognitive Impairement - MCI).

MCI là giai đoạn chuyển tiếp giữa quá trình lão hóa bình thường và chứng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng xấu đến một hoặc nhiều lĩnh vực nhận thức như: Trí nhớ, tập trung, ngôn ngữ và toán học.

Bệnh nhân MCI có một giai đoạn gọi là “thời kỳ cửa sổ” (critical window) kéo dài khoảng hai đến ba năm kể từ khi bệnh khởi phát, khi số lượng tế bào thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể, các kết nối tế bào thần kinh vẫn được bảo toàn, nhiều vùng não vẫn chưa bị teo lại.

Do đó, các can thiệp sớm vẫn có thể phục hồi hoặc củng cố kết nối tế bào thần kinh để cải thiện nhận thức của bệnh nhân và giảm thiểu xác suất chuyển đổi từ MCI thành sa sút trí tuệ.

Qua tìm hiểu, nhóm sinh viên nhận thấy các trò chơi rèn luyện nhận thức trên điện thoại thông minh được thiết kế dựa trên hiệu quả cải thiện nhận thức đã được chứng minh và với chi phí thấp, phù hợp với khả năng tài chính của người Việt Nam.

Ứng dụng rèn luyện nhận thức BrainTrain ra đời, tập trung vào các trò chơi rèn luyện nhận thức trên thiết bị di động. Do hiệu quả cải thiện nhận thức đã được chứng minh, ứng dụng này có thể trở thành một phương pháp hữu ích cho các khu vực có bối cảnh kinh tế xã hội đa dạng.

Ứng dụng cho phép bệnh nhân rèn luyện nhận thức mọi lúc mọi nơi và có thể chia sẻ dữ liệu rèn luyện trực tuyến đến bác sĩ của họ, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển, thuận tiện cho người dùng.

Thành Nhân cho biết, hiện nay có rất nhiều ứng dụng rèn luyện trí nhớ như: Lumosity, Elevate và Cognifit. Tuy nhiên những ứng dụng này chỉ hỗ trợ tiếng Anh và chưa có cơ sở thần kinh học, chưa được chứng minh tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, hầu hết các ứng dụng hiện có đều thiết kế để rèn luyện trí nhớ chung cho đối tượng người trẻ và người cao tuổi, không được thiết kế để phục vụ riêng cho đối tượng MCI.

Hiện tại, các nghiên cứu thử nghiệm can thiệp bằng trò chơi nhận thức trên bệnh nhân MCI chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực trí nhớ. Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực nhận thức khác mà bệnh nhân bị ảnh hưởng như: Sự tập trung, khả năng giao tiếp, khả năng đưa ra quyết định.

Vì vậy, BrainTrain được đề xuất hướng đến nhiều chức năng nhận thức của người bệnh để giúp họ cải thiện tối đa tổng thể nhận thức, tập trung nâng cao nhiều lĩnh vực nhận thức mà bệnh nhân MCI bị suy giảm.

Thúc đẩy khả năng ghi nhớ

BrainTrain đã thiết kế các trò chơi để giúp người bệnh rèn luyện và cải thiện trí nhớ ngắn hạn dựa trên khoa học về tính dẻo dai của thần kinh, vốn liên quan trực tiếp đến trí nhớ dài hạn.

Bệnh nhân sẽ được thường xuyên rèn luyện trí nhớ ngắn hạn, bộ não và các kết nối thần kinh từ đó trở nên mạnh mẽ, hiệu quả hơn (giống như cơ bắp của cơ thể) thông qua việc ghi nhớ hình ảnh, vị trí để thực hiện các nhiệm vụ trong trò chơi. Việc rèn luyện này hướng đến việc thúc đẩy bệnh nhân ghi nhớ tốt hơn các sự kiện trong ngày của họ.

Nguyễn Thành Nhân cho biết, phần mềm còn cung cấp các bài tập nhắm vào khả năng chú ý có chọn lọc và khả năng chú ý khi bị phân tâm. Rèn luyện các bài tập này thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân có thể tiếp nhận thông tin và hoàn thành các tác vụ, hoạt động hằng ngày một cách dễ dàng, nhanh chóng, ngay cả có những tình huống trong cuộc sống đòi hỏi bệnh nhân phải thực hiện đồng thời hai hoặc nhiều nhiệm vụ cùng lúc.

“Sản phẩm được thiết kế nhằm ngăn ngừa tình trạng bị suy giảm ở các vùng não chuyên biệt trong giao tiếp ở bệnh nhân MCI, từ đó giảm việc mất khả năng diễn đạt lưu loát bằng lời nói.

Với các trò chơi giúp luyện tập việc nhớ lại đúng từ ngữ vào đúng thời điểm và vượt qua khó khăn trong giao tiếp giúp họ cải thiện khả năng giao tiếp, trao đổi với người chăm sóc hoặc người thân trong gia đình. Cùng với việc làm giàu vốn từ vựng, trò chơi còn nâng cao năng lực nhận thức thông qua việc phát triển khả năng tập trung và óc sáng tạo.

Ngoài ra, các hình ảnh và câu hỏi trong trò chơi chức năng ngôn ngữ được chúng tôi tìm hiểu một cách kỹ lưỡng sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội và gần gũi với văn hóa của người dân như phương tiện, con vật, đồ dùng gia đình. Nội dung trò chơi sẽ được kiểm tra và đảm bảo từ điển nhằm giảm thiểu rào cản ngôn ngữ của người dân đa vùng miền khi tiếp cận ứng dụng”, Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.

Các trò chơi về Toán được đánh giá như một phương pháp làm chậm tiến trình suy giảm nhận thức. Về chức năng Toán học, bệnh nhân sẽ được rèn luyện khả năng ước tính con số và chọn đáp án đúng. Điều này giúp họ cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định cho một số việc cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.

Ứng dụng đang được thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân MCI, thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175. Thử nghiệm cho thấy trong số 30 bệnh nhân MCI đã sử dụng ứng dụng, hơn 70% số người dùng đã cho thấy hiệu quả cải thiện về điểm số nhận thức sau một tháng nhờ vào việc luyện tập thường xuyên.

Gần 30% số người tham gia còn lại vì lí do cá nhân nên không thể sử dụng ứng dụng thường xuyên, ảnh hưởng đến hiệu quả cải thiện nhận thức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm sinh viên phát triển ứng dụng ngăn ngừa sa sút trí tuệ