Có thể thấy, kiểm định chất lượng giáo dục không còn là giải pháp đối phó của các đơn vị, mà trở thành nhu cầu tự thân; bởi kết quả kiểm định được xem như “bảo chứng” về chất lượng hoạt động của nhà trường với cơ quan quản lý, người học và nhà tuyển dụng, rộng hơn là với xã hội.
Theo quy định, kết quả chất lượng kiểm định được các trường sử dụng làm căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mức học phí, tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài... Tuy nhiên, đây mới là các quyền lợi ngắn hạn. Về lâu dài, kiểm định chất lượng giáo dục không nên dừng ở 5 năm hay 10 hoặc 15 năm, mà cần có tầm nhìn xa và bao quát hơn nhằm phát triển bền vững; từ đó từng bước hướng tới mục tiêu: Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng chính sách về kiểm định chất lượng giáo dục, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý điều hành… Đặc biệt, cần sớm ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Nói như GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia độc lập về kiểm định chất lượng giáo dục, khi có Chuẩn tối thiểu, thước đo sẽ cụ thể, kết quả đánh giá và thông tin chất lượng minh bạch hơn đối với các bên liên quan. Văn hóa chất lượng phải do cơ sở giáo dục đại học tự nhận thức và điều chỉnh. Chỉ khi có nhu cầu tự thân, đại học mới phát triển, các giải pháp đưa ra mới có tâm và tầm.