Những bệnh có thể tấn công con người khi trời lạnh

27/01/2024, 13:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Miền Bắc nước ta lại bước vào đợt rét đậm rét hại, nhiệt độ hạ đột ngột khiến nhiều người chưa kịp thích nghi và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đưa ra cảnh báo mọi người về những bệnh thường gặp khi trời trở lạnh và cách phòng tránh.

Các bệnh hô hấp

Khi thời tiết chuyển lạnh, cơ quan đầu tiên trong cơ thể chúng ta chịu ảnh hưởng chính là đường hô hấp. Nhiệt độ thấp và nồm ẩm cũng là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Vì vậy, vào mùa đông các bệnh về hô hấp thường bùng phát mạnh, thậm chí lan rộng thành dịch bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh hô hấp phổ biến khi trời lạnh có thể kể đến như cảm cúm, hen suyễn, viên phổi, viên phế quản, viêm xoang… Đa số những căn bệnh này không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng nếu chúng ta chủ quan không điều trị, chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ trở nặng dẫn đến những hậu quả nặng nề.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Đột quỵ

Thống kê cho thấy, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% đến 30%. Nhất là khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại, số lượng các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người có tiền sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.

Nguyên nhân là do khi nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Trời lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não.

Hơn nữa, vào mùa lạnh nhiều người thường ngại vận động và ăn uống không lành mạnh, nhất là người cao tuổi. Khi lạnh người dân ngại ra ngoài, ngại vận động, quá lo sợ lạnh sẽ ốm nên thường nằm trên giường nhiều. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn.

Người bệnh đột quỵ nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời thường để lại di chứng rất nặng nề như liệt, rối loạn vận động, rối loạn nhận thức… ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.

Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là chứng bệnh rất dễ gặp vào mùa lạnh, ngay cả khi bạn đi ngoài đường hoặc ở trong nhà. Đối tượng dễ mắc hạ thân nhiệt là trẻ em và người lớn tuổi, tuy nhiên đối với thanh niên trẻ tuổi nếu giữ ấm cơ thể không đúng cách thì vẫn có nguy cơ mắc hạ thân nhiệt khá cao.

Biểu hiện đầu tiên của chứng hạ thân nhiệt là cơ thể run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, tái xanh hoặc xám, nhịp thở chậm, mệt mỏi… và nếu không được phát hiện kịp thời thì người bệnh sẽ rơi vào mất ý thức và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng.

Liệt mặt, méo miệng

Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến cho nhiều người đột nhiên bị méo miệng, lệch mặt. Nguyên nhân là do dây thần kinh số VII chạy nông nhất trên mặt, đi song song với mạch máu vùng tai, nếu gặp lạnh đột ngột sẽ gây co mạch nhanh, máu không nuôi dưỡng được và dây số VII sẽ bị tổn thương khiến nửa mặt không thể cử động được. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng thời tiết giao mùa, nhất là mùa lạnh sẽ khiến nhiều người mắc bệnh hơn.

Liệt mặt tuy không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Khi mặt bị liệt, mắt sẽ nhắm không kín nên dễ gây các bệnh về mắt như loét giác mạc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Đa số các trường hợp mắc bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời, nếu không điều trị sẽ để lại biến chứng và di chứng vĩnh viễn.

Ngứa ngáy

Mùa đông với thời tiết khô hanh, độ ẩm của da giảm xuống khiến da trở nên căng, khô và ngứa ngáy. Bệnh biểu hiện lúc ban đầu chỉ ngứa ngáy ở một bộ phận nào đó, rồi dần lan rộng đến nhiều nơi trên cơ thể, ban đêm ngứa nhiều hơn ban ngày. Tất cả mọi người đều có thể gặp tình trạng ngứa ngáy khi mùa đông đến, tuy nhiên những đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người có làn da khô thường gặp tình trạng này hơn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng thường rất nhạy cảm khi điều kiện thời tiết thay đổi.

Ngứa ngáy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng đem đến cảm giác vô cùng khó chịu, thậm chí một số người còn gãi đến xước da, chảy máu gây nhiễm trùng và để lại sẹo.

Đau nhức xương khớp

Nhiều người bị đau nhức xương khớp vào trời lạnh, kèm theo sưng đỏ khớp, cứng khớp vào buổi sáng hoặc về đêm, phát ra âm thanh lục cục khi vận động, dẫn đến tình trạng vận động khó khăn. Có 4 vị trí khớp thường bị đau nhức nhiều nhất khi trời trở lạnh là khớp gối, khớp háng, khớp bàn chân, cột sống thắt lưng.

Trời lạnh là thời điểm có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao khiến các gân cơ bị co rút, dịch khớp đông hơn bình thường. Đồng thời, lúc này cơ thể ít vận động hơn nên lưu thông máu kém đi, làm giảm máu nuôi khớp, khiến sụn và màng hoạt dịch khớp bị tổn thương.

Chưa kể, khi thời tiết lạnh, áp lực không khí cũng làm rối loạn tuần hoàn, dịch khớp, vận mạch, độ nhớt máu… khiến đau nhức xương khớp, vận động bất tiện. Đặc biệt, người lớn tuổi mắc các bệnh lý khớp mãn tính do khớp bị thoái hóa như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp… cũng là nguyên nhân gây đau xương khớp khi thời tiết lạnh, rét đậm.

Những điều cần lưu ý

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trong những ngày mùa đông giá rét, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vị trí như cổ, bàn tay, bàn chân, bụng.

- Đảm bảo chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

- Luôn bổ sung đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước ấm, không lạm dụng nước ngọt, nước có gas và rượu bia để giải khát thay thế nước lọc.

- Cải thiện chất lượng giấc ngủ.

- Cân bằng độ ẩm của môi trường xung quanh.

- Duy trì tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày.

- Thường xuyên bổ sung vitamin cho cơ thể.

- Bôi kem dưỡng ẩm bảo vệ da.

- Khi có các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bệnh có thể tấn công con người khi trời lạnh