Những cảm nhận về thơ đương đại trong Chương trình Ngữ văn mới

PV | 31/01/2023, 07:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ, lưng còng đã trở nên quen thuộc với người đọc để từ đó nhận ra sự hy sinh thầm lặng của mẹ cho con.

Đọc bài À ơi tay mẹ, học sinh cảm nhận được sự cao cả của người mẹ khi dành trọn sự yêu thương cho con cái, bài thơ cũng giúp học sinh có sự liên hệ đến rất nhiều những vần thơ viết về mẹ trong văn học dân gian cũng như văn học viết nhằm bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Để giúp học sinh có thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi xin trích lại bài ca dao Mười tay của dân tộc Mường do Cầm Giang sưu tầm, bài ca dao đã từng được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn 10 nâng cao năm 2008.

Bồng bồng con nín con ơi

Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay

Ước gì mẹ có mười tay

Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim

Một tay chuốt chỉ luồn kim

Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau

Một tay ôm ấp con đau

Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma

Một tay khung cửi guồng xa

Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa

Một tay đi củi muối dưa

Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn

Tay nào để giữ lấy con

Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay

Bồng bồng con ngủ cho say

Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

Bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai triển khai qua hai hình tượng sóng đôi: Cau và mẹ, nhà thơ chọn một thứ cây rất gần gũi trong đời sống ở mỗi làng quê. Đã từ bao đời cây cau, quả cau cùng lá trầu trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần người Việt, hình ảnh quả cau, lá trầu xuất hiện trong mọi nghi lễ quan trọng của vòng đời con người từ khi sinh ra đời, cưới hỏi, lễ tết đến sinh hoạt hằng ngày: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Xuyên suốt bài thơ nhà thơ Đỗ Trung Lai đã khai thác thủ pháp nghệ thuật đối lập qua từng khổ thơ để đem đến cho người đọc những cảm nhận sự gần gũi giữa cau và mẹ:

Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau - ngọn xanh rờn

Mẹ - đầu bạc trắng.

Lời thơ ngỡ tưởng như lời nhận xét thông thường những đằng sau mỗi con chữ là bao đắng đót, xót xa khi nhận ra thời gian, nỗi vất vả cuộc đời đã hằn lên lưng còng của mẹ, trên mái đầu bạc trắng của mẹ. Không cần nhiều lời chỉ qua hai hình ảnh lưng còng và mái đầu bạc trắng của mẹ mà gợi ra bao cảm nhận về công lao của mẹ, sự nhọc nhằn, đắng cay trong cuộc đời mẹ cho con khôn lớn, trưởng thành. Nhà thơ Trương Nam Hương khi viết về mẹ cũng có những câu đầy xúc động về tấm lưng còng của mẹ:

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Cùng với thời gian, cau ngày càng cao, mẹ ngày một thấp, dân gian có câu: Gần đất xa trời nhằm nói lên sự già nua, cái chết đang đến gần. Sự gần đất của mẹ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nghe bao nuối tiếc khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, mẹ như ngọn đèn trước gió, như chuối chín cây, thời khắc con không còn mẹ đang đến ngày một gần:

Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp

Cau gần với giời

Mẹ thì gần đất!

Mỗi khổ trong bài thơ đều gắn với cau, hình ảnh người mẹ và miếng trầu bao đời đã trở nên quen thuộc. Ngày xưa, khi mẹ chưa già, quả cau bổ làm tư - vừa miếng với mẹ, nhưng bây giờ quả cau bổ tám mẹ còn ngại to, ý niệm thời gian hiển hiện trong mỗi khổ của bài thơ, thời gian làm mẹ ngày một già đi, răng rụng dần nên miếng cau nhỏ nhưng vẫn khó khăn với mẹ.

Hình ảnh người mẹ được ví như miếng cau khô gầy, thời gian đã bào mòn tất cả, chỉ nay mai mẹ không còn trên thế gian nữa, nhà thơ không khỏi ứa nước mắt trước hình hài của mẹ. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Haiku nổi tiếng Nhật Bản là

Ba-sô, ông xa quê nhiều năm, khi trở về mẹ đã mất, người anh đưa cho ông mớ tóc bạc của mẹ khiến ông ngậm ngùi:

Lệ trào nóng hổi

Tan trên tay tóc mẹ

Làn sương thu.

Khổ kết với câu hỏi tu từ, người con thảng thốt nhận ra quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, không tránh khỏi quy luật cuộc đời và ngày con xa mẹ đang đến gần. Câu hỏi nhưng không có câu trả lời, chỉ có mây bay về xa như những nỗi niềm rưng rưng, dâng trào cảm xúc:

Ngẩng hỏi giời vậy

- Sao mẹ ta già?

Không một lời đáp

Mây bay về xa.

Bài thơ rất kiệm lời mà hàm chứa bao tình ý sâu xa, lời thơ dung dị, tự nhiên, không nhiều dụng công nghệ thuật nhưng vẫn gây xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành, chạm đến những gì thiêng liêng nhất của mỗi người: Tình mẫu tử.

----------------------

Trên đây là một vài cảm nhận của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy về Thơ đương đại trong chương trình Ngữ văn THPT 2018, chúng tôi cố gắng đưa ra những cách tiếp cận của mình với những tác phẩm mới đưa vào chương trình nhằm giúp giáo viên, học sinh có những cách tiếp nhận tác phẩm Thơ đương đại một cách hiệu quả.

Để khép lại bài viết nhỏ này, tôi xin dẫn lại ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết về mục tiêu Chương trình GDPT mới: “Để hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, chương trình mới quy định các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-cam-nhan-ve-tho-duong-dai-trong-chuong-trinh-ngu-van-moi-post623934.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-cam-nhan-ve-tho-duong-dai-trong-chuong-trinh-ngu-van-moi-post623934.html
Bài liên quan
Đọc hiểu thần thoại trong Chương trình Ngữ văn mới
Năm học 2022 - 2023 Chương trình giáo dục phổ thông mới đang bắt đầu được thực hiện đối với học sinh lớp 10.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cảm nhận về thơ đương đại trong Chương trình Ngữ văn mới