Siêu dự án Sài Gòn - Đại Ninh được khởi công từ cuối năm 2010 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, nhiều lãnh đạo của tỉnh này bị khởi tố, bắt giam.
Tính đến nay đã gần 14 năm sau ngày khởi công, dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh ở Lâm Đồng) của Công ty Sài Gòn Đại Ninh vẫn chỉ là một vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Thậm chí xung quanh khu vực đã được người dân “trưng dụng” để thả bò, phơi nông sản.
Chính dự án này cũng đã khiến nhiều lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng phải vướng vào vòng lao lý.
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận (phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã bị khởi tố, bắt giam.
Bí thư, chủ tịch cùng bị khởi tố
Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh do ông Nguyễn Cao Trí là người đại diện pháp luật để thực hiện dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.
Đến tháng 6-2020, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án này.
Đáng chú ý vào thời điểm tháng 1-2024, cả Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đều bị Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an bắt giam do liên quan đến dự án Khu đô thị Đại Ninh.
Trong đó, ông Quận bị khởi tố, bắt giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn quyền hạn trong khi thi hành công vụ; còn ông Hiệp bị điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Trước đó, tháng 3-2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng để điều tra về tội nhận hối lộ. Theo cơ quan chức năng, ông Ánh đã nhận hối lộ từ đại gia Nguyễn Cao Trí, chủ dự án Khu đô thị Đại Ninh.
Đến tháng 8-2023, bà Trần Bích Ngọc - Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I), Văn phòng Chính phủ bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo tài liệu điều tra xác định, bà Trần Bích Ngọc đã lợi dụng vị trí công tác làm trái chức trách, nhiệm vụ được phân công trong việc giải quyết thanh tra, khiếu nại đối với dự án Khu đô thị Đại Ninh. Hành vi của bà Ngọc và các bị can trong vụ án nhận hối lộ này gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước.
Tháng 12-2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục triệu tập nhiều lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Lâm Đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến siêu dự án nêu trên.
Dự án Sài Gòn - Đại Ninh. Ảnh: VÕ TÙNG
Được đại biểu chất vấn trên nghị trường Quốc hội
Cũng liên quan đến dự án Đại Ninh, tại phiên chất vấn ngày 7-11-2023 (kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV), đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã đặt vấn đề “căn cứ vào đâu, yêu cầu nào mà tháng 7-2021, Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ công tác để thanh tra lại Kết luận thanh tra của Đoàn công tác vào năm 2020”; việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả của đoàn thanh tra có đúng luật.
Theo ông Vân, trong vụ án Đại Ninh, tổ công tác đã thay đổi kết luận của đoàn thanh tra, từ kết luận sai pháp luật, yêu cầu thu hồi dự án chuyển sang giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn cho nhà đầu tư. Điều này, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh là trái pháp luật.
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định đây là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra chứ không phải thanh tra lại. Cơ sở pháp lý để Thanh tra Chính phủ lập đoàn tổ công tác là thực hiện đúng theo Luật Tổ chức Chính phủ và quy chế làm việc của Chính phủ.
Trước khi ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo với Thủ tướng. Thông thường là Phó thủ tướng tổ chức họp với các bộ, ngành thống nhất và cho ý kiến đồng ý thì Thanh tra Chính phủ mới ban hành. Ông Phong khi đó cũng đã khẳng định Thanh tra Chính phủ đã báo cáo kết quả rà soát dự án Đại Ninh và được Chính phủ, Phó thủ tướng trực tiếp đồng ý cho điều chỉnh thì Thanh tra Chính phủ mới tiến hành.
Các sai phạm liên quan dự án này đang tiếp tục được công an điều tra, làm rõ.
Điều chỉnh dự án tăng 20% tổng mức đầu tư Thời điểm khi có yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã gửi đơn cứu xét và kiến nghị đến Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành liên quan cho công ty tiếp tục thực hiện dự án, khôi phục việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tháng 3-2021, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác đến tỉnh Lâm Đồng để đánh giá lại những vấn đề liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận sửa đổi một số nội dung mà kết luận thanh tra trước đó đã nêu ra như rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Kết luận này cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục giãn tiến độ, điều chỉnh và gia hạn cho dự án. Từ kết luận này, tháng 11-2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Khu đô thị Đại Ninh tăng lên 20% (từ 25.243 tỉ đồng thành 30.291,6 tỉ đồng). Và đến đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ cho dự án 24 tháng và yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành. Tuy nhiên, kể từ khi ông Nguyễn Cao Trí bị bắt, khởi tố hồi tháng 1-2023 vì liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát thì dự án này tiếp tục “nằm im”. Cũng chính từ việc ban hành rồi sửa các kết luận thanh tra mà các thành viên tổ xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh đều bị khởi tố bắt giam. Gồm ông Lê Quốc Khanh - phó cục trưởng Cục 2 Thanh tra Chính phủ (tổ trưởng); ông Hoàng Văn Xuân - thanh tra viên chính Cục 2 Thanh tra Chính phủ (tổ phó); ông Nguyễn Nho Định - thanh tra viên Cục 2 Thanh tra Chính phủ. |