Tháng 10 năm ngoái, Khu kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập ký một thỏa thuận trị giá 6,75 tỷ USD với Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (China Energy) để phát triển các dự án amoniac xanh và hydro xanh tại Khu công nghiệp Sokhna, cùng thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD với công ty United Energy niêm yết ở Hong Kong để thành lập nhà máy sản xuất kali clorua.
Xung đột mở rộng ở Trung Đông đe doạ sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà Ai Cập, Yemen và Iran đều tham gia.
Trung Quốc luôn khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác, khiến giới phân tích đặt câu hỏi về cách Bắc Kinh sẽ phản ứng khi có vấn đề nảy sinh giữa các thành viên BRI.
Cuộc xung đột hiện nay đe dọa làm suy yếu mục đích của BRI. Đó là kết nối châu Á với châu Âu thông qua việc tạo ra hành lang thương mại và đầu tư xuyên lục địa.
Trong phát biểu vừa đưa ra tại Ai Cập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh muốn đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc xử lý “các điểm nóng” toàn cầu.
Các quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể kiềm chế Iran và được cho là đã ép Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tehran để giúp ngăn chặn xung đột giữa Hamas - Israel lan rộng.
Khi COSCO vẫn cập cảng Israel dù các đối thủ cạnh tranh phải đổi tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi rằng liệu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran có phải yếu tố giúp COSCO có thể tiếp tục làm như vậy. Dầu Iran chiếm khoảng 10% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.
Bloomberg gần đây đưa tin, ít nhất 5 tàu đi qua Biển Đỏ đã gửi thông tin về “tất cả thuyền viên Trung Quốc” hoặc những thông báo tương tự qua mạng liên lạc để tránh bị tấn công.