Những giá trị văn hóa tinh thần trường tồn của dân tộc qua hai công trình nghiên cứu về thời đại Hùng Vương

05/04/2025 18:04

Làm thế nào để chạm đến tinh thần và bản sắc của thuở hồng hoang dựng nước; hiểu rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, hai cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” chính là chìa khóa giúp bạn đọc mở cánh cửa về quá khứ xa xăm, khám phá những giá trị văn hóa - lịch sử thiêng liêng gắn liền với tổ tiên.

Những giá trị văn hóa tinh thần trường tồn của dân tộc qua hai công trình nghiên cứu về thời đại Hùng Vương- Ảnh 1.
Cuốn sách "Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam"

Thời đại Hùng Vương là một giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử, bởi đây là thời đại mở đầu dựng nước, hình thành nên những giá trị về văn hóa để rồi trở thành những tiền đề cơ bản trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương đã đạt được rất nhiều thành tựu, với nhiều công trình được công bố, góp phần làm sáng tỏ thời kỳ khởi thủy của lịch sử dân tộc.

Nhằm cung cấp thêm thông tin về cội nguồn dân tộc Việt Nam, từ đó bồi đắp tinh thần tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, làm vững chắc thêm nền tảng tinh thần để các thế hệ người Việt Nam hôm nay thêm vững vàng để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)" của các tác giả: Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng biên soạn.

Nội dung cuốn sách gồm 5 phần cùng với dẫn luận và kết luận. Phần thứ nhất: "Nước Văn Lang: Bờ cõi, tên nước và dân cư", Phần thứ hai: "Trạng thái kinh tế", Phần thứ ba: "Thể chế xã hội và chính trị", Phần thứ tư: "Đời sống văn hóa", Phần thứ năm: "Nước Âu Lạc của An Dương Vương hay là sự kết thúc thời đại Hùng Vương".

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, tập hợp những phân tích đa chiều về giai đoạn đầu tiên của lịch sử dân tộc. Cuốn sách đi sâu vào khảo cứu về mô hình tổ chức nhà nước sơ khai thời Văn Lang - Âu Lạc, đời sống kinh tế nông nghiệp lúa nước, những phong tục tập quán hình thành nền văn hóa Việt cổ. Đặc biệt, các tác giả còn đặt thời đại Hùng Vương trong bối cảnh lịch sử Đông Nam Á, làm rõ vị trí và vai trò của quốc gia Văn Lang trong tiến trình phát triển của khu vực.

Những kết quả nghiên cứu trong cuốn sách này không chỉ giúp tái hiện một cách chân thực diện mạo của thời đại Hùng Vương mà còn khẳng định tính liên tục, trường tồn của văn hóa Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đây là tài liệu quý giá dành cho những ai muốn hiểu sâu hơn về nguồn cội dân tộc, từ đó củng cố niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.

Nếu Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) đưa người đọc trở về thời kỳ sơ khai, nơi cư dân Lạc Việt xây dựng nên nền móng đầu tiên của quốc gia Văn Lang, thì "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam" do GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm chủ biên lại lý giải vì sao phong tục thờ cúng Vua Hùng không chỉ là truyền thống mà còn là một di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Cuốn sách gồm hai phần: "Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam", "Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay".

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn cho biết, cuốn sách "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam" được thực hiện nhằm góp phần truyền bá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tới bạn bè quốc tế; đánh giá rõ thêm các di tích Đền thờ Vua Hùng trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự cho trang nghiêm và xứng tầm; sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để tạo sự thống nhất trong cả nước; xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại.

Các bài viết trong cuốn sách tập trung làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học; sự tồn tại của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt và các tộc người thiểu số trên nhiều vùng, miền của Tổ quốc và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, khẳng định vai trò của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đặt trọng tâm vào vấn đề tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách một Di sản văn hóa thế giới, những biến đổi trong Lễ hội Đền Hùng ở Việt Nam, việc khai thác di tích và Lễ hội Đền Hùng trong hoạt động du lịch bền vững hiện nay và những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại. Mỗi bài viết đều thể hiện sự tâm huyết, thành kính của các tác giả đối với Quốc Tổ, Quốc lễ của dân tộc.

Hai cuốn sách không chỉ đơn thuần là những tư liệu khoa học mà còn mang trong mình một sứ mệnh lớn lao: kết nối quá khứ với hiện tại, truyền lửa yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đọc những trang sách này, mỗi người Việt sẽ thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc, đồng thời ý thức rõ hơn về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu. Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hãy cùng nhìn lại lịch sử để thêm tự hào về một dân tộc kiên cường, giàu bản sắc và luôn vững vàng trước mọi thách thức.


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nhung-gia-tri-van-hoa-tinh-than-truong-ton-cua-dan-toc-qua-hai-cong-trinh-nghien-cuu-ve-thoi-dai-hung-vuong-10225040518043726.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/nhung-gia-tri-van-hoa-tinh-than-truong-ton-cua-dan-toc-qua-hai-cong-trinh-nghien-cuu-ve-thoi-dai-hung-vuong-10225040518043726.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những giá trị văn hóa tinh thần trường tồn của dân tộc qua hai công trình nghiên cứu về thời đại Hùng Vương