Những lớp học 'không tường vách'

Hà Nguyên | 05/09/2022, 06:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mô hình lớp học trải nghiệm theo hình thức du lịch cộng đồng đang được thử nghiệm tại một số địa phương đã giúp mềm hóa hình thức học kỹ năng sống, đồng thời cũng là đòn bẩy giúp người dân bản địa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

Học tập dựa vào cộng đồng

Anh Thư (lớp 7, Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) không khỏi ngạc nhiên khi quan sát quá trình làm mỳ Quảng cùng cô Trần Thị Lắm (xã Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cùng cô Lắm ngâm gạo, xay bột bằng cối đá, đúc bánh, Thư thắc mắc: “Khi đúc xong thì gọi là lá mỳ, nhưng khi cắt xong thì gọi là sợi mỳ. Nhưng nó to hơn sợi bún phải không bà? Vậy sợi bún và sợi mỳ, cách làm có khác nhau không bà?”.

Từ câu chuyện của Anh Thư, các “thầy cô” - là người dân thôn Tà Lang - quyết định, lớp học cuối tuần tới sẽ có thêm nội dung trải nghiệm học làm bún. Đỗ Viết Bảo (lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Nữ Vương, quận Liên Chiểu) thì reo lên thích thú: “Con cho bột vào chảo thì nó xèo lên thật bà à. Có phải vì thế mà bánh có tên gọi là bánh xèo không bà?”.

TS Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), người khởi xướng chương trình học tập dựa vào cộng đồng, cho biết: “Ngoài những hoạt động khám phá, trải nghiệm thực tế, học sinh còn có những hoạt động rèn luyện thể lực, kết nối với thiên nhiên. Các em có thể đạp xe để ngắm nhìn làng xóm, cánh đồng, dòng sông. Cô giáo ở trường dạy em học chữ, còn cô giáo ở xóm làng dạy em biết cắt lá mỳ, quay nước mía, gói bánh, nấu cơm. Thậm chí, em còn học cách phân loại rác tại nguồn…”.

Làm việc nhóm và viết nhật ký là yêu cầu bắt buộc của lớp học cuối tuần. Các em sẽ chọn nhóm trưởng theo tiêu chí được cùng nhau xây dựng.

Thầy Trinh nhận xét: “Làm việc nhóm và phải thể hiện sự tham gia của mình trong một không gian hạn hẹp như trên một trang giấy A0 thường cũng rất thách thức với các bạn nhỏ tiểu học. Thường thì các em phải trình bày nội dung trả lời của những câu hỏi chung như mô tả một quá trình tham gia, phản ánh các cảnh vật, câu chuyện được học tập hoặc các em thích thú, chán ghét điều gì đã trải qua. Theo thời gian học tập, hình thức báo tường này được nâng cấp ở mức độ khó hơn để các bạn nhỏ không nhàm chán, có nhiều cơ hội để thể hiện sự sáng tạo, hợp tác và độc lập trong làm việc, tư duy”.

Anh Thư chia sẻ: “Nhờ lớp học tại Hòa Bắc vào cuối tuần, em có thêm nhiều người bạn mới là học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc. Các bạn bày cho em nhiều trò chơi mà trước đó em chưa hề được biết. Mới đầu, chúng em còn rụt rè khi đi chân đất trên bờ ruộng, rồi dần dà có thể lội bùn, quan sát quá trình sinh sản của con ốc, biết phân loại rác… Em cũng tự tin hơn khi tham gia cùng các bạn làm bài tập nhóm, viết văn trôi chảy hơn”.

Những lớp học dựa vào cộng đồng, ngoài sự tham gia của người dân bản địa còn có nhiều thầy, cô giáo tình nguyện hỗ trợ. Từ những sản phẩm làm việc nhóm của học sinh, các thầy, cô giáo hướng dẫn thêm về mỹ thuật, cách sử dụng từ ngữ, kỹ năng trình bày…

Những lớp học 'không tường vách' ảnh 1

Học sinh chương trình lớp học cuối tuần ở Hòa Bắc trải nghiệm quy trình làm mỳ Quảng.

Khi nông, ngư dân đứng lớp

Phục hồi nông nghiệp truyền thống gắn kết với du lịch để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội là ý tưởng của nhóm học tập cùng cộng đồng đang được triển khai tại Cù Lao Chàm, Đảo Bé (Lý Sơn), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng).

TS Chu Mạnh Trinh chia sẻ: “Du lịch học tập là hình thức khá mới mẻ như các tour học tập về cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải, sinh kế cộng đồng… Trong đó, người dân bản địa phải tham gia, làm chủ thật sự và là người thầy truyền đạt thông tin, kinh nghiệm hướng dẫn thực hành kỹ năng. Nếu làng bản là trường học thì ngư dân, nông dân là người thầy. Một ao cá cũng có thể trở thành lớp học khi có bạn học sinh hỏi về mối quan hệ giữa vườn – ao – chuồng. Một con nhện giăng tơ trên cành cây cũng có thể là chủ đề trao đổi của lớp học để bổ sung cho những bài học ở trường”.

Chị Đỗ Trâm - người thiết kế các nội dung của lớp học cuối tuần dành cho học sinh tại Hòa Bắc - cho biết: “Những lớp học cuối tuần là bước đệm để Hòa Bắc triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Thông qua tương tác với các bạn nhỏ, người nông dân sẽ dần tự tin và có kỹ năng hơn để tương tác với khách du lịch sau này”.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Hoạt động trải nghiệm nếu chỉ dừng lại ở mức độ học sinh đến trang trại, xưởng gốm… để quan sát thì chưa thực sự có sự trải nghiệm, rất khó hình thành và phát triển các kỹ năng”. Thế nhưng, TS Chu Mạnh Trinh thì cho rằng, lớp học không vách ngăn có thể triển khai ở bất cứ đâu, miễn là thầy cô tìm ra được phương tiện và xác định được mục đích của buổi học.

Một buổi trải nghiệm mô hình trồng rau sạch đã giúp học sinh có cái nhìn khác về nghề nông. Các em biết rằng, làm nông nghiệp không chỉ là gắn với hình ảnh chân lấm tay bùn, với con trâu cái cày, mà còn nhiều phân khúc khác cần những lao động có kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu về một nền nông nghiệp sạch. Những bài học của môn Sinh học, Hóa học sẽ trở nên gần gũi hơn khi học sinh có những trải nghiệm về sử dụng phân bón hữu cơ, cải tạo đất… - Cô Nguyễn Thị Minh Huệ (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lớp học 'không tường vách'