Những người mở trường cho phụ nữ

Tú Anh | 01/08/2022, 08:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chứng kiến nhiều người phụ nữ vuột mất cơ hội về một cuộc sống tốt đẹp hơn do không được giáo dục, ngày càng nhiều nữ trí thức Ấn Độ mở trường dạy học, dạy nghề dành cho nữ giới. Mô hình này là “tiếng nói” mạnh mẽ cho làn sóng nữ quyền ở Ấn Độ.

Những người mở trường cho phụ nữ ảnh 2
Học viên của Tổ chức Sajhe Sapne.

Trao cơ hội đổi đời

Đến nay, vấn đề bất bình đẳng giới trong giáo dục tại Ấn Độ phần nào đã được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em gái được đi học tại các thành phố lớn tăng dù ở nông thôn hoặc các khu vực nghèo đói, giáo dục dành cho trẻ em gái vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nối tiếp các hoạt động ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ, thế hệ phụ nữ hiện đại Ấn Độ đang tích cực hỗ trợ các cộng đồng trẻ em gái để mang lại cho các em cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo Kandbari, bang Himachal, Ấn Độ nhưng Surabhi Yadav, ngoài 30 tuổi, không để hoàn cảnh thiếu thốn kìm bước phát triển của mình.

Cô gái sở hữu bằng thạc sĩ kép ngành Kỹ thuật hóa sinh – Công nghệ sinh học từ Học viện Công nghệ Ấn Độ - một trong những trường đại học tốp đầu Ấn Độ và ngành Thực hành phát triển của Trường ĐH California, Mỹ.

Trong khi đó, hầu hết phụ nữ ở làng Kandbari không được học hành hoặc bỏ học giữa chừng và làm nghề nông. Họ làm việc chăm chỉ không quản ngày đêm nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, nghèo khó.

Từ nhỏ, Surabhi đã được bố mẹ nuôi dưỡng ý thức phục vụ cộng đồng. Cô kể: “Trong trí nhớ của tôi, bố mẹ thường lặp lại cùng một câu hỏi: ‘Học vấn của con có thể giúp ích gì cho làng của chúng ta?’. Vì vậy, khi chứng kiến những cô gái có tiềm năng như mình chịu “chôn chân” trong cuộc sống nghèo khó, tôi cảm thấy buồn và muốn giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Những người mở trường cho phụ nữ ảnh 3

Yagna Parmar, 38 tuổi, hiện là Chủ tịch Quỹ Vacha, cho biết: “Bà Sonal muốn xây dựng một trung tâm giáo dục dành cho phụ nữ. Ở đó, họ được bồi đắp trí tuệ, gắn kết tình cảm hoặc đơn giản là thư giãn, gạt hết mọi muộn phiền ngoài kia. Vacha cũng sẽ là nơi xóa bỏ quan niệm phụ nữ “ngu ngốc” và không có quyền tự quyết”.

Năm 2020, trong thời gian tham gia cứu trợ Covid-19, Surabhi tình cờ gặp Phula, cô gái 19 tuổi chỉ được học hết cấp 3. Nữ thạc sĩ quyết định tổ chức một lớp học vào ban đêm dành cho Phula và bốn người bạn đồng cảnh ngộ. Những cô gái này chưa từng được tiếp cận Internet nhưng rất ham học hỏi.

Quyết tâm cao độ của các cô gái trẻ đã truyền cảm hứng để Surabhi xây dựng Sajhe Sapne, tổ chức phi chính phủ nhằm giáo dục và hỗ trợ phụ nữ nông thôn gia nhập lực lượng lao động hiện đại bằng cách cung cấp cho họ việc làm ổn định tại bang Himachal.

Surabhi chia sẻ: “Ý tưởng đến với tôi rất rõ ràng, đó phải là một nơi để các cô gái cùng nhau học tập, tìm kiếm việc làm, trau dồi kỹ năng, kiến thức... Họ cũng sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc cơ thể, tâm hồn để phát triển bản thân và giúp đỡ mọi người xung quanh. Mục tiêu của tôi là xây dựng thật nhiều trung tâm tương tự ở mọi làng quê nghèo trên đất nước, biến chúng trở thành mô hình học tập – việc làm dành cho phụ nữ nông thôn”.

Cuối năm 2020, Surabhi bắt tay xây dựng Sajhe Sapne thông qua chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên cả nước. Trung tâm được đặt tại làng Kandbari, bang Himachal.

Hiện tại, Sajhe Sapne có ba khóa học. Một là Umang, hướng dẫn học viên kỹ năng quản lý phát triển và tìm kiếm việc làm trong các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội. Thứ hai là Arohan, đào tạo học viên kỹ năng Toán tiểu học. Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể thi lấy chứng chỉ giáo viên môn Toán và làm việc cho các trường phổ thông. Cuối cùng là khóa học Tarang, đào tạo kỹ năng phát triển web để học viên tiếp cận công nghệ số.

Không chỉ xây dựng các khóa học dựa trên nhu cầu việc làm và xu hướng thời đại, Sanjhe Sapne còn khuyến khích học viên duy trì văn hóa học tập. Học viên tại Sajhe Sapne có quyền tiếp cận kiến thức của cả ba khóa học, có thể hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và xây dựng các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

Những học viên chưa tốt nghiệp lớp 12 được hỗ trợ trang bị kiến thức, thi lấy chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trước khi đăng ký một trong các khóa học. Giảng viên tại Sajhe Sapne là chuyên gia, tình nguyện viên từ các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ. Mỗi khóa học thường kéo dài 9 tháng.

Năm đầu tiên, Sajhe Sapne có 25 học viên. Tất cả đều có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương trung bình hàng tháng là 15 nghìn Rs (khoảng 4,3 triệu đồng). Một trong những học viên tốt nghiệp đầu tiên từ Sanjhe Sapne, Anjali, chỉ được học hết lớp 12 và phải phụ gia đình làm nông. Với mong muốn thay đổi cuộc đời, Anjali đã tìm đến Sajhe Sapne.

Cô gái trẻ tâm sự, khi mới đăng ký, Anjali không dám chắc có thể tìm được việc làm chỉ sau 9 tháng học tập. Nhưng hiện nay, Anjali được nhận làm nghiên cứu sinh tại tổ chức Takachar, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

“Sajhe Sapne đã giúp tôi thay đổi cuộc đời. Không chỉ trau dồi kiến thức, tôi được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, tự tin, thuyết phục... để làm việc hiệu quả hơn”, Anjali chia sẻ.

Theo Better India
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-mo-truong-cho-phu-nu-post602641.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-mo-truong-cho-phu-nu-post602641.html
Bài liên quan
Hi hữu: Người phụ nữ có thai làm tổ ở gan
Các bác sĩ thuộc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) nhận định, người phụ nữ có thai làm tổ ở gan là trường hợp rất hi hữu - khi góc thùy gan phải có túi thai sống 6-7 tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người mở trường cho phụ nữ