Củ cải là loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất và dinh dưỡng, đồng thời đem lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng có một số nhóm người được khuyến cáo nên hạn chế ăn củ cải trắng.
Thành phần dinh dưỡng của củ cải trắng
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, củ cải là thực phẩm giàu dinh dưỡng được ví như nhân sâm trắng. Trong 100g củ cải chứa 20 calo năng lượng; 0,5g đường; 0,2g chất béo; 0,045mg thiamine; 0,072mg riboflavin; 0,11mg niacin; 0,274mg axit pantothenic; 0,18mg vitamin B6; 0,8mg sắt và 0,37mg mangan.
Củ cải có đặc tính chống ung thư, ngăn ngừa đau tim và các bệnh tim khác. Loại thực phẩm này rất tốt cho hệ thống miễn dịch, thị lực, xương và da. Ăn củ cải giúp giảm mức cholesterol cao, ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh loãng xương, viêm khớp dạng thấp và đục thủy tinh thể.
Thành phần dinh dưỡng của củ cải trắng chứa chất giúp cơ thể kháng lại bệnh ung thư. Đặc biệt, các enzyme có thể loại bỏ chất độc gây ung thư.
Sự hiện diện của glucosinolate trong củ cải hỗ trợ ngăn ngừa ung thư. Đó là hoạt chất thực vật tự nhiên sẽ phá vỡ thành hai hợp chất trong khi tiêu hóa gồm indole và isothiocyanate. Hai chất này hoạt động như một tác nhân mạnh tấn công các tế bào khối u và làm giảm sự phát triển ung thư.
Những người nên hạn chế ăn củ cải trắng
Tuy là loại củ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ tuy nhiên theo lương y Bùi Đắc Sáng, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn củ cải trắng. Bà bầu ăn nhiều củ cải sẽ làm tăng tiểu vặt, gây khó chịu do thực phẩm này có tính lợi tiểu. Mỗi tuần, bà bầu chỉ ăn 1-2 bữa củ cải được nấu chín. Tuyệt đối không được ăn củ cải sống làm nộm hay củ cải muối dưa chua vì không an toàn.