“Thay vì đứng trước cả nghìn HS, tuyên truyền cả giờ đồng hồ, thì sân khấu hóa thông qua các tiểu phẩm, kịch nói, thơ ca… lại tác động đến nhận thức, trái tim của học trò một cách vô cùng tự nhiên”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Bằng các hình thức GDPL khác nhau, bao gồm cả lồng ghép vào môn học phù hợp, nhiều năm qua HS Trường THCS Minh Khai luôn có xếp loại hạnh kiểm tốt trên 98% và không có HS hạnh kiểm yếu.
Đặc biệt, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà, về cơ bản HS nhà trường không vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không tệ nạn xã hội và bạo lực học đường.
17 năm cống viên trong vai trò là giáo viên và 15 năm trên cương vị là nhà quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Hà có hơn 10 SKKN được xếp loại cấp tỉnh, ngành… Nhiều SKKN đã mang lại hiệu ứng tích cực tới đồng nghiệp và học trò.
“Mỗi lần viết SKKN là một lần có thêm những kinh nghiệm quý giá và thật hạnh phúc khi lan tỏa điều đó tới đồng nghiệp, học trò”, cô Hà bộc bạch.
Trau dồi kỹ năng
Với SKKN “Dạy học tích hợp kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho HS lớp 8 Trường THCS Thiết Ống, huyện Bá Thước”, cô Trần Thị Ánh Nguyệt cũng là một trong 30 nhà giáo có SKKN được xếp loại cấp tỉnh, năm 2021.
Là GV môn Sinh học, công tác ở vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, cô Nguyệt không khỏi đau đáu trước vấn nạn xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em ở những nơi từng đặt chân qua. Xuất phát từ những trăn trở ấy, cô Nguyệt đã đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này từ những năm 2018 – 2019.
“Viết SKKN này, tôi mong muốn trang bị cho các em những kỹ năng quan trọng để ứng phó tích cực trước những tình huống xấu có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em”, cô Nguyệt bộc bạch.
Vì vậy, bên cạnh truyền dạy kiến thức liên quan đến môn học, nữ GV cũng đồng thời tích hợp những kỹ năng cho HS như: Kỹ năng thể hiện cảm xúc, chia sẻ; cách ứng phó với những tình huống xấu và có thêm những kiến thức sinh sản, phòng tránh về xâm hại tình dục…
“Khi viết SKKN này tôi cũng đồng thời triển khai dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật về Ứng phó với xâm hại tình dục trẻ em. Điều đặc biệt là tôi khuyến khích HS tham gia cùng để các em vừa củng cố kiến thức về sinh sản vừa trang bị những kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục”, nữ GV chia sẻ.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề dạy học, điều khiến cho nữ GV xứ Thanh ấn tượng và hạnh phúc đó là HS nơi đây rất mộc mạc và chân thật. Hơn nữa, các em cũng không có sự phân biệt giữa môn chính hay môn tự chọn.
Với phương pháp giảng dạy “lấy trò làm trung tâm” và gắn liền với thực tiễn cuộc sống… cô giáo vùng cao Trần Thị Ánh Nguyệt luôn được học trò đón nhận, tin yêu.