“Hộp đen chứa tất cả các thông tin của máy bay bao gồm chế độ làm việc của động cơ, tốc độ quay và nhiệt độ của tua bin, nhiệt độ phía sau của tua bin, vị trí các cánh lái, các hệ số quá tải… Trong hộp đen cũng ghi lại toàn bộ các động tác điều khiển của phi công. Các thao tác này sẽ được dùng để đánh giá xem phi công có xử lý phù hợp với tình huống hay khộng. Ngoài ra trong hộp đen cũng sẽ ghi lại hội thoại của phi công với trạm điều khiển mặt đất, đối thoại của phi công trong buồng lái…”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cho biết.
Về thông tin máy bay phát nổ sau khi rơi xuống nước, theo GS.TSKH Nguyễn Đức Cương nhận định có thể do khi va chạm với mặt nước tạo ra lực quá lớn dẫn đến các thùng nhiên liệu phát nổ. Trường hợp bị phá hoại thì máy bay sẽ nổ trên không chứ không phải rơi xuống nước rồi mới phát nổ. Trên máy bay trực thăng thông thường sẽ có 2 thùng nhiên liệu. Nhiên liệu máy bay có thành phần gần giống dầu hỏa nhưng là loại nhiên liệu đặc biệt.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, việc tạm dừng các hoạt động bay du lịch ngắm cảnh là cần thiết trong bối cảnh chưa làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên không nên vì vụ tai nạn này mà có tâm lý sợ hãi, dè chừng, nói không với các loại hình dịch vụ hàng không. Cho đến nay thì hàng không vẫn là loại hình giao thông có chỉ số an toàn cao nhất. Số người chết vì tai nạn giao thông chủ yếu đến từ tai nạn ô tô và xe máy.
“Không lẽ vì số người bị tai nạn nhiều mà cũng cấm luôn sử dụng ô tô hay xe máy? Tôi cho rằng điều này là không hợp lý. Không nên chỉ vì một vụ tai nạn mà kết luận là phương tiện nào đó không an toàn”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cho biết.
Hiện tại, hàng không vẫn là ngành vận tải có mức độ an toàn vượt trội so các phương thức di chuyển hiện đại khác. Theo số liệu báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong trên 1 tỷ km di chuyển bằng máy bay được ước tính là 0,003%, so tỷ lệ ở giao thông đường sắt là 0,27% và 2,57% đối với giao thông đường bộ.