Thuận lợi
Hiện nay theo quy định của pháp luật, một số giao dịch bắt buộc phải được công chứng, chứng thực, đặc biệt là trong lĩnh vực mua bán, tặng cho, thế chấp… quyền sử dụng đất và nhà ở và các tài sản phải đăng ký khác. Điều này đã tạo cho các tổ chức hành nghề công chứng được lượng khách hàng thường xuyên, ổn định. Đặc biệt ở những địa phương có lượng giao dịch nhà đất tăng cao.
Nhiều địa phương cũng đã bỏ “quy hoạch” các tổ chức hành nghề công chứng, thay vào đó việc thành lập các văn phòng công chứng sẽ được chấm điểm dựa vào các tiêu chuẩn quy định của mỗi địa phương. Do vậy, hiện nay các văn phòng công chứng sẽ được thành lập nhiều hơn so với trước đây, cơ hội hành nghề của công chứng viên mới sẽ ngày càng rộng mở.
Ý thức của người dân trong việc đảm bảo giá trị pháp lý trong các giao dịch ngày càng được nâng cao, họ tìm đến các phòng và văn phòng công chứng ngày một nhiều để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các giao dịch. Hoạt động hợp tác quốc tế của công chứng Việt Nam ngày càng được mở rộng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chúng ta đã gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế từ năm 2013.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ vào hoạt động công chứng là điều tất yếu trong thời gian tới. Do đó các hoạt động công chứng sẽ được hỗ trợ rất nhiều và trong một số trường hợp không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý.
Khó khăn
Hiện nay, một số văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng của người dân; việc chuyển trụ sở Văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng.
Số lượng các văn phòng công chứng ngày một gia tăng nhưng chất lượng công chứng lại không được đảm bảo, từ đó làm xảy ra nhiều tranh chấp chỉ vì công chứng không tuân thủ các yêu cầu về nghiệp vụ và quy định pháp luật. Thời gian qua đã có những vụ các tổ chức hành nghề công chứng bị xử phạt, các công chứng viên vi phạm bị tạm đình chỉ, đình hành nghề hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường từ những thiệt hại mình gây ra do sự bất cẩn trong quá trình hành nghề.
Nghề công chứng viên là nghề yêu cầu tính trách nhiệm cao, nhiều rủi ro như nạn giấy tờ giả, người giả, thiếu thông tin…dẫn đến nhiều trường hợp các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên bị tòa án buộc bồi thường thiệt hại và nặng hơn là bị Sở Tư pháp xử lý đình chỉ hành nghề và phạt mức tiền lớn.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ công chứng viên hiện nay chưa đồng đều; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa phù hợp với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Ở bất cứ ngành nào cũng sẽ tồn tại cả hai mặt thuận lợi và khó khăn. Quan trọng hơn cả là ta phải biết lựa những điểm mà thị trường nghề đang thiếu để phát triển bản thân mình sao cho phù hợp với nhu cầu và tình hình của xã hội hiện tại. Ở Việt Nam hiện nay, công chứng viên là ngành vô cùng “hot”. Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên đăng ký khoá học đào tạo công chứng viên bởi ngành này mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Tuy nhiên, số lượng chưa chắc đã đi đôi với chất lượng. Bởi vậy, nếu quyết tâm theo đuổi con đường nghề công chứng viên, bạn hãy luôn sẵn sàng tâm thế học hỏi thật nghiêm túc và không ngừng nghỉ.