“Biết gia đình các em còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên nhà trường đã tìm nhiều cách động viên giúp các em yên tâm học tập. Chúng tôi luôn luôn động viên học sinh, xem khu bán trú như ngôi nhà thứ 2 của mình. Hãy tận dụng khoảng thời gian ở đây để trau dồi kiến thức, kỹ năng. Tạo cho mình thói quen về nền nếp, kỷ cương trong sinh hoạt, học tập, để mỗi ngày trôi qua có thêm những niềm vui mới, động lực mới. Chúng tôi tin chắc, đây sẽ là nơi nuôi dưỡng những ước mơ tươi sáng cho học trò nghèo”, thầy Thanh xúc động nói.
Học sinh bán trú với bữa cơm chiều do thầy cô hỗ trợ. |
Đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại khu vực bếp ăn của Trường THPT Trần Hưng Đạo. Bữa ăn hôm nay do chính thầy Mai Văn Thanh – Hiệu trưởng nhà trường là đầu bếp. Vừa thoăn thoắt thái rau, thầy vừa nêm nếm gia vị cho nồi thịt để chuẩn bị bữa trưa cho gần 30 học sinh.
Sau khi hoàn thành món thịt bò xào rau cần, thầy Thanh lấy khăn lau nhẹ mồ hôi, dí dỏm nói: “Bếp nơi khác thì chỉ một đầu bếp chứ bếp trường tôi mỗi ngày một đầu bếp. Đầu bếp là giáo viên trong trường được thay đổi theo lịch phân công. Đến phiên ai thì tự giác thực hiện, ngày hôm nay đến phiên của tôi. Để chuẩn bị bữa ăn, từ sáng sớm tôi đã đi chợ để kịp mua nguyên liệu về sơ chế”.
Do kinh phí hạn hẹp nên trước khi đi chợ, các giáo viên đã tự cân đo, chọn thực phẩm để làm sao vừa tiết kiệm nhưng bảo đảm dinh dưỡng, số lượng cho mỗi học sinh. Bữa ăn tuy không đầy đủ như các trường miền xuôi nhưng đó làm tấm lòng và sự san sẻ của thầy cô dành cho học sinh.
Thầy Nguyễn Quang Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, đội ngũ giáo viên ở đây đến từ nhiều miền quê nghèo, nhưng ai ai cũng đồng tâm, đồng lòng vì học sinh. “Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh từng em. Chính vì vậy, cái gì có lợi cho học sinh đều được thực hiện từ ‘mệnh lệnh của trái tim’. Dẫu biết rằng, trích một phần lương thì việc chi tiêu trong gia đình của thầy cô phải thay đổi. Nhưng điều đó một lần nữa khẳng định, càng gian khó, sứ mệnh của người thầy, nhân cách người thầy càng tỏa sáng”, thầy Ngọc bày tỏ.
Thầy giáo Phan Văn Thuận và vợ cùng dạy tại ngôi trường vùng khó này. Khi biết hoạt động của nhà trường 2 vợ chồng hăng hái hưởng ứng cắt bớt một phần lương ủng hộ “Bữa cơm có thịt” cho học sinh. “Đây là việc làm hết sức nhân văn. Các thầy cô ai cũng vui khi được đến phiên mình. Mong rằng, các em sẽ biết trân quý tình cảm của thầy cô để ra sức học tốt, rèn luyện tốt. Em nào sau này thành đạt, có điều kiện có thể quay lại giúp đỡ các em khóa sau”, thầy Thuận gửi gắm.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chia sẻ, Trường THPT Trần Hưng Đạo là cơ sở giáo dục nằm ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Địa bàn tuyển sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Mông.
“Chúng tôi đã nhận được kế hoạch tổ chức ‘Bữa cơm có thịt’ cho học sinh bán trú của nhà trường. Tôi cũng đã biết, ở ngôi trường vùng sâu này, truyền thống đoàn kết, nhân ái được duy trì kể từ ngày thành lập. Nhiều thầy cô sẵn sàng trích lương, bớt khẩu phần ăn của gia đình hỗ trợ học sinh, đồng thời còn lặn lội đến thị trấn, thành phố và tỉnh khác để tìm học bổng cho học sinh. Đây là việc làm nhân văn cao đẹp, vừa thể hiện tình yêu nghề, yêu trò của đội ngũ nhà giáo vừa khẳng định vị trí, đóng góp của nhà giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”, ông Khoa cho biết.
Ông Trần Đức Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết, hơn 10 năm qua, những mô hình hay, việc làm đẹp của đội ngũ thầy cô giáo Trường THPT Trần Hưng Đạo đã giúp các gia đình khó khăn quyết tâm cho con đến trường. “Lúc tôi còn làm Bí thư Đoàn xã, thường xuyên cùng thầy cô vận động học sinh ra lớp. Nhiều em không có đủ áo quần, sách vở… thầy cô lại trích lương ra mua hoặc đi xin cho trò.
Đến nay, tỷ lệ học THPT của xã đã tăng lên gấp đôi so với năm 2010. Đặc biệt, khi trường tổ chức ‘Bữa cơm có thịt’, chúng tôi là lãnh đạo địa phương cũng hết sức xúc động, vì không nghĩ, thầy cô luôn tự nhận thiệt thòi về mình để lo cho học sinh như con đẻ của mình vậy. Tôi chỉ biết thay mặt bà con cảm ơn thầy cô”, ông Sơn phát biểu.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Trần Hưng Đạo có hơn 800 học sinh, trong đó hơn 80% là con em người dân tộc thiểu số. Trong số này, 29 em người dân tộc Mông ở tại khu bán trú của nhà trường. Nhằm hỗ trợ học sinh, nhà trường đã triển khai chương trình “Bữa cơm có thịt”. Thầy cô giáo tự nguyện trích lương, phân lịch đi chợ, nấu ăn cho học sinh mỗi tuần 3 bữa.
Ở lứa tuổi THPT, các em cần có đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất và tinh thần. Trước mắt, Sở đã động viên lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái, hỗ trợ thêm cho các em học sinh. Bởi thầy cô dạy trực tiếp sẽ hiểu rõ hoàn cảnh từng em, từ đó kịp thời động viên, giúp đỡ. Tôi cũng mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ để nhà trường duy trì bữa ăn có thịt cho học sinh nghèo ở đây.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk