Nơi nào thu hút được nhân tài, nơi đó sẽ có thế mạnh phát triển

19/04/2023, 10:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ, TPHCM trở thành trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Riêng TPHCM là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Nơi nào thu hút được nhân tài, nơi đó sẽ có thế mạnh phát triển - Ảnh 1.

Cần triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút tuyển dụng sinh viên giỏi về công tác tại địa phương

Mối quan hệ hữu cơ giữa nhân tài với khoa học công nghệ

Tại Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng sử dụng nhân tài, với triết lý hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì vững mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì yếu và thấp.

Ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng một bản thông báo “Tìm người tài đức” trên Báo Cứu quốc với nội dung: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài...”.

Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa nhân tài với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia.

Lý thuyết tăng trưởng phái sinh chỉ ra 3 yếu tố chi phối tốc độ tăng trưởng kinh tế, bao gồm lực lượng lao động, vốn, công nghệ, trong đó công nghệ đóng vai trò chủ đạo. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh nhấn mạnh nhân lực trình độ cao là yếu tố quan trọng nhất, đóng góp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế, trong đó đòi hỏi công nghệ đổi mới, sáng tạo. Nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ có thế mạnh phát triển hơn.

Nhìn ra khu vực và thế giới, năm 1999, Chính phủ Singapore công bố chiến lược về nhân tài, xem nhân tài như một nguồn vốn quan trọng nhất. Kết quả trong đổi mới khoa học công nghệ, số lượng nhân tài đã tăng gấp đôi sau 20 năm. Quốc gia này cũng đang xếp thứ 2, sau Thụy Sĩ trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh trên toàn cầu. Cũng trong bảng xếp hạng này, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 74.

TPHCM phải là nơi thu hút nhân tài

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ, TPHCM trở thành trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, riêng TPHCM là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Để đạt được những mục tiêu này, cần phải có động lực mới, không gian mới, đó chính là khoa học công nghệ, là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khoa học công nghệ phải là động lực, nhân lực phải là điểm tựa cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, TPHCM.

Nói cách khác, để phát triển kinh tế bền vững, Đông Nam Bộ nên từng bước chuyển từ lợi thế nhân công sang nhân lực trình độ cao, từ ưu tiên thu hút nguồn vốn tài chính sang ưu tiên thu hút nguồn vốn con người, từ nền kinh tế dựa đầu tư sang nền kinh tế dựa vào nhân tài. Vừa ưu tiên đầu tư phần cứng, phát triển hạ tầng, vừa ưu tiên đầu tư phần mềm, phát triển con người.

Theo ông Vũ Hải Quân, Nghị quyết 24 cũng yêu cầu phát triển Đại học Quốc gia TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học tiên tiến hàng đầu châu Á, với sứ mệnh là nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức.

Luật Giáo dục đại học cũng yêu cầu Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia và nhiệm vụ phát triển vùng. "Cùng với các trường đại học khác trên địa bàn Đông Nam Bộ, chúng tôi rất mong muốn và kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển của vùng, thành phố thông qua các hoạt động đào tạo nhân lực qua nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, PGS.TS. Vũ Hải Quân chia sẻ.

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đã kiến nghị Chính phủ và các địa phương phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút tuyển dụng sinh viên giỏi về công tác tại địa phương, tiếp tục các chính sách chăm lo cho sinh viên của địa phương đang học tại Đại học Quốc gia TPHCM và các trường đại học trong khu vực. Trong đó, có chính sách hỗ trợ về học bổng, cho vay ưu đãi để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận.


Bài liên quan
TPHCM sẽ nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu thu hút nhân tài
Năm 2025, TPHCM phấn đấu thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước đạt ít nhất 10% so với tổng số tuyển dụng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi nào thu hút được nhân tài, nơi đó sẽ có thế mạnh phát triển