Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với những người đã dìu dắt, dạy dỗ mà còn là dịp để những người làm công tác giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại giá trị, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ.
Thứ trưởng mong muốn, với chủ đề “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, cuộc thi sẽ ngày càng được lan toả, tiếp tục được tổ chức chất lượng hơn, để thầy cô và mái trường luôn là nỗi nhớ mong của mọi người.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các Sở GD&ĐT có nhiều thí sinh tham gia, đạt giải cao. |
Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là hoạt động được Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm. Đây là một trong nhiều hoạt động của ngành Giáo dục nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, sâu rộng và sáng tạo.
Sau hơn 3 tháng tổ chức Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 đã lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trường học trong cả nước và thanh niên, du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài với 2.133.658 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 900 thí sinh đang là du học sinh ở nước ngoài dự thi.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi cho các thí sinh đoạt giải.
Chiều 27/12, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. |
Dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và pháp luật; các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập Luật nhà giáo và một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT.
Báo cáo về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo và các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Khung cấu trúc dự kiến luật Nhà giáo với 8 chương, 67 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng… Các chính sách đề xuất bao gồm định danh Nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh Nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của Nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh Nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất 2 phương án. Phương án 1, Luật chỉ quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Phương án 2, Luật quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; nhà giáo nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đồng thuận, nhất trí cao với phương án 2 đã được Bộ GDĐT đề xuất. Bên cạnh đó, hội thảo tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo; đặc biệt là những đặc thù và bất cập còn tồn tại của đối tượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, để xây dựng Luật Nhà giáo, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phải rà soát, đánh giá một cách tổng thể những cơ chế, chính sách đã được ban hành. Cần tham vấn ý kiến nhiều chủ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đội ngũ nhà giáo…để tìm ra những điểm nghẽn và biện pháp tháo gỡ.
Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.
Buổi lễ ghi nhận và tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Trong 143 em được tuyên dương có 51 thành phần dân tộc đến từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kỳ vọng các em phấn đấu hơn nữa, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, để trở thành những cán bộ giỏi, những người có tri thức, kĩ năng, với ý chí và khát vọng, trở về xây dựng làng bản, quê hương.