Đối với các địa phương, Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục trong toàn ngành và xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và bám sát văn bản chỉ đạo triển khai từ Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Ngoài ra, địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Đặc biệt cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cán bộ quản lý, Thứ trưởng nhấn mạnh cán bộ quản lý cần tìm hiểu sâu sát văn bản, yêu cầu của chương trình, đồng thời chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các vụ, cục; lãnh đạo các sở GD&ĐT đã trao đổi, thảo luận, nêu khó khăn, vướng mắc, chia sẻ giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện, triển khai môn học và hoạt động giáo dục tại các địa phương.
Tuần qua, sự việc một số học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận.
Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. |
Bộ GD&ĐT đã có công văn số 6803/BGD&ĐT-GDCTHSSV gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm Nhà giáo trong cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.
Chỉ đạo Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Cũng trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có trao đổi xoay quanh sự việc này. Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua có những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã xảy ra. Dù hiện tượng khác nhau nhưng bản chất là như nhau. Vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Trong đó có các biện pháp về giáo dục, công tác quản lý.
Về giáo dục, cần rà soát lại đội ngũ giáo viên về quy trình đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, công tác giáo dục học sinh trong nhà trường. Bộ GD&ĐT có rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, việc triển khai ở các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc.
Ngoài ra, cần theo dõi đánh giá việc học sinh chấp hành các quy định một cách thường xuyên; ngăn chặn sớm các vụ việc tương tự bằng cách phát hiện các nguyên nhân ngay từ đầu trong quan hệ giữa thầy - trò, diễn biến tâm lý của học trò, thầy cô.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, tư tưởng đạo đức, kỷ luật trong học đường.
Tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản gửi các sở GD&ĐT về tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá. Trong văn bản mới nhất, Bộ yêu cầu các sở GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu, phối hợp; tăng cường công tác quản lý và đánh giá hiệu quả triển khai của mỗi hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khoá.