Buồng lái là "văn phòng" làm việc yêu thích của nữ phi công
Phụ nữ không chỉ làm được, mà còn làm rất tốt
Dữ liệu thống kê cho thấy số lượng phi công nữ chiếm tỷ lệ chưa đến 10% trên tổng số phi công trên toàn thế giới. Dù đến nay, số lượng phi công nữ đang tăng lên đáng kể, chứng minh rằng đây không phải là nghề phân biệt về giới, song trên thực tế vẫn có nhiều quan điểm cho rằng phi công nữ khó có thể toả sáng trên bầu trời như cánh mày râu.
Trước việc nhiều bạn nữ đang e ngại khi quyết định lựa chọn con đường này, Trang Nhung cho rằng phụ nữ ngày càng tự tin và giỏi giang, hoàn toàn có thể chứng minh năng lực không hề kém cạnh nam giới, đặc biệt đối với đặc thù yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và quy trình làm việc, nhằm đảm bảo các chuyến bay an toàn tuyệt đối như nghề phi công.
Trong buồng lái với hàng trăm nút điều khiển mang chức năng khác nhau, phi công thường đảm nhiệm các công việc như xin lệnh cất cánh – hạ cánh; giám sát các thông số về độ cao, tốc độ, điều kiện thời tiết…; điều khiển máy bay trong quá trình bay; liên lạc kiểm soát viên không lưu về các vấn đề phát sinh trong hành trình và đưa ra quyết định trong tình huống khẩn nguy… Các bài kiểm tra đánh giá chuyên môn và điều kiện sức khoẻ theo định kỳ cũng yêu cầu phi công đáp ứng theo loạt tiêu chuẩn gắt gao.
Trang Nhung (giữa) trong quá trình đào tại nước ngoài
Chính vì vậy, năng lực và kỹ năng cần thiết, khả năng đánh giá tình hình và sự quyết đoán mới là những yếu tố quan trọng cần có ở người phi công, thay vì những định kiến liên quan đến giới tính. Đôi khi, sự tinh tế và tỉ mỉ của người phụ nữ lại là lợi thế để họ hướng tới những điều hoàn mỹ và khéo léo, vượt qua khó khăn khi theo đuổi nghề vốn được cho là "đặc quyền của phái mạnh". Với riêng Trang Nhung, sự linh hoạt và dễ thích nghi với hoàn cảnh của một Gen Z còn là điểm cộng để cô thử thách sức bền của bản thân, nhanh chóng thích ứng các tình huống phát sinh trong công việc.
Là bóng hồng duy nhất trong đội bay Embraer của Bamboo Airways, song nữ phi công cảm thấy luôn được tôn trọng và đối xử bình đẳng giữa các nam đồng nghiệp. Kinh nghiệm dày dặn và sự nghiêm túc, chỉn chu của đội ngũ phi công tiền bối cũng là điểm tựa lớn để các phi công mới như cô học hỏi, tích luỹ kiến thức, nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề và kiên định theo tôn chỉ hoạt động chung của hãng. Lấy trải nghiệm hành khách làm tôn chỉ hoạt động xuyên suốt, Bamboo Airways theo đuổi mục tiêu thiết lập chuẩn mực mới trong cung cấp dịch vụ hàng không và đến nay đã lan tỏa được nhiều dấu ấn thương hiệu riêng về dịch vụ hàng không chất lượng cao.
"Embraer vẫn được các phi công của Bamboo Airways gọi thân thương bằng cái tên Đội bay 'Em bé'. Dòng tàu bay này đã ghi dấu ấn của Bamboo Airways ở các đường bay ngách đến Điện Biên, Côn Đảo, Cà Mau… - nơi chưa máy bay lớn nào có thể lấn sân vì đặc điểm địa hình phức tạp. Đôi khi, tôi thấy mình cũng có nhiều điểm tương đồng với ‘Em bé’, khi là cô gái nhỏ nhắn nhưng luôn sẵn sàng chấp nhận các thử thách mà nhiều người chưa dám thử sức", nữ phi công hóm hỉnh nói.
*Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam bay máy bay Embraer E195.