Cô Nguyễn Thị Lan Anh thường xuyên chia sẻ và gần gũi với học sinh. |
Qua việc áp dụng, sáng kiến giúp cho nhà trường điều hành, quản trị, kiểm soát đồng bộ, giáo viên khai thác kho học liệu điện tử vào dạy học chuyên nghiệp hiện đại, kết nối đa chiều. Học sinh có nhiều hình thức học tập trong không gian không giới hạn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Từ năm học 2020 - 2021, cô Lan Anh quay trở về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, ngôi trường cô đã có gần 20 năm gắn bó.
Theo cô Lan Anh chia sẻ, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ trước đây cũng được đánh giá là tiên phong trong đổi mới phương pháp kỹ thuật dạy học. Tuy nhiên, thực tế cán bộ quản lý chỉ dùng máy tính để soạn thảo văn bản, sử dụng gmail để chuyển thông tin và Zalo, Facebook để trao đổi thông tin, triển khai công việc mang tính chất thông báo.
“Thời điểm đó, mỗi tổ chuyên môn chỉ có khoảng 1 - 2 giáo viên biết thiết kế bài giảng, còn chủ yếu là tải trên mạng về dạy. Mỗi khi có khó khăn thì giáo viên tin học phải hỗ trợ. Cả trường rất ít giáo viên có khả năng tin học tốt, thiết kế được giáo án điện tử. Có rất nhiều giáo viên trình độ công nghệ thông tin chưa tốt, ngại ứng dụng công nghệ vào dạy học” – cô Lan Anh cho biết.
Với thực tế của nhà trường nằm trong nhóm trường Hội nhập, chất lượng cao, cô Lan Anh đã quyết định nghiên cứu và thực nghiệm sáng kiến “Biện pháp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thời kỳ công nghệ 4.0 cho đội ngũ vào việc dạy - học theo hướng phát triển năng lực người học”.
“Mục đích của sáng kiến là làm thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ về chuyển đổi số trong dạy học. Bồi dưỡng được một đội ngũ thật sự vững vàng về chuyên môn, có những kỹ năng tốt trong việc tiếp cận và sự dụng công nghệ hiện đại vào quản lí và giảng dạy. Đồng thời, đẩy mạnh được việc trang bị các thiết bị dạy học thông minh, thiết bị về công nghệ hiện đại. Mục đích nhằm tạo cho giáo viên, học sinh có những điều kiện về thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất trong quá trình dạy và học” – cô Lan Anh chia sẻ.
Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế, chuyển đổi số thực sự đã đến Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Các hoạt động giáo dục đang dần thích ứng, bắt nhịp với chuyển đổi số.
Cô Nguyễn Thị Lan Anh (cầm hoa) luôn được học sinh và đồng nghiệp quý mến. |
“Sáng kiến này đã được nhiều đồng nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đưa vào áp dụng tại trường. Từ khâu tư duy của nhà quản lý đến tập huấn bồi dưỡng kích cầu đội ngũ, thiết kế bài giảng, xây dựng kho học liệu điện tử dùng chung, kỹ thuật khai thác… đã tạo mọi điều kiện và môi trường, không gian học tập thuận lợi cho học sinh” – cô Lan Anh nói.
Thầy Hà Xuân Thường, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nói: “Thông qua dạy và học, hoạt động giáo dục áp dụng công nghệ thông tin, học sinh đã được tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Từ việc có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, học sinh có thể ứng dụng được các công nghệ hiện đại vào học tập. Từ đó phát triển trí sáng tạo, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm thiết thực để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
“Điều thành công nhất của sáng kiến này là chúng tôi đã làm thay đổi đội ngũ từ không thích trở thành đam mê công nghệ. Qua đó, ứng dụng công nghệ một cách tối đa trong dạy học, tạo cơ hội cho học sinh tư duy sáng tạo. Đây là hành trang vững chắc cho các em bước vào kỷ nguyên số” – cô Lan Anh chia sẻ.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ, cô Lan Anh đã có bảng thành tích quý giá trong sự nghiệp. Năm 2012, cô được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo nguồn nhân lực”.
Năm học 2017 – 2018, cô được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường tiểu học theo hướng chuẩn hóa, hiện địa hóa và hội nhập Quốc tế. Năm học 2018 – 2019, cô đạt giải nhất cuộc thi “Tầm nhìn lãnh đạo trường Tiểu học”. Đến năm 2019, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiện cô đang làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.