Trên hành trình gắn bó với giáo dục mầm non, cô Vũ Thị Hoài Thanh luôn làm nghề với sự tử tế, kiên định và tràn đầy nhiệt huyết.
Trên hành trình gắn bó với giáo dục mầm non, cô Vũ Thị Hoài Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) được đồng nghiệp, phụ huynh ghi nhận về thái độ làm nghề tử tế, kiên định và tràn đầy nhiệt huyết.
Trước khi về công tác tại Trường Mầm non Giáp Bát, cô Vũ Thị Hoài Thanh có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Giáo dục mầm non. Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mầm non với niềm đam mê lớn dành cho nghề, cô từng bước khẳng định mình qua nhiều vị trí công tác tại Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) và để lại dấu ấn về người giáo viên mẫu mực, trách nhiệm.
Những ngày đầu chuyển công tác tại Trường Mầm non Giáp Bát, với sự cầu thị, khiêm tốn và mong muốn học hỏi, cô đã nhanh chóng hòa nhập, nắm bắt công việc và cùng Ban giám hiệu triển khai nhiều hoạt động có chiều sâu. Đồng nghiệp dần nhận ra ở cô một người lãnh đạo lặng lẽ mà chắc chắn, luôn suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động, đặt lợi ích tập thể và sự phát triển của trẻ lên hàng đầu.
“Cô Thanh không chỉ là cán bộ quản lý mẫu mực mà còn là đồng nghiệp tinh tế, giáo viên gần gũi, người mẹ hiền của trẻ thơ. Giữa nhịp sống giáo dục gấp gáp, không ngừng đổi mới, cô Thanh chọn cách hành xử từ tốn, lặng lẽ làm và để kết quả nói thay lời”, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát nhận xét về đồng nghiệp.
Công tác tại Trường Mầm non Giáp Bát, cô Vũ Thị Hoài Thanh luôn lắng nghe và xuất hiện đúng lúc để sẻ chia với giáo viên trong chuyên môn cũng như cuộc sống; cô cũng không ngừng nâng cao trách nhiệm bản thân trong từng việc nhỏ được giao phó.
Cô Hà Thị Nguyệt Anh – giáo viên Trường Mầm non Giáp Bát chia sẻ: Chúng tôi quý trọng cô Thanh bởi sự chân thành, cách truyền cảm hứng cho người khác bằng thái độ làm nghề tử tế, kiên định và tràn đầy nhiệt huyết. Cô trở thành điểm tựa lặng thầm nhưng vững chãi giữa tập thể nhà trường. Chúng tôi xem cô như “ngọn gió lành” thổi vào ngôi trường luồng sinh khí mới, nhẹ nhàng lan tỏa…
Dù thời gian công tác tại Trường Mầm non Giáp Bát chưa dài, nhưng với cương vị Phó Hiệu trưởng, cô Thanh đã xác định rõ định hướng công việc: Không chỉ là người quản lý về hành chính, mà quan trọng hơn phải “truyền lửa” trong công tác chuyên môn; gắn kết nội bộ, khơi dậy tinh thần học hỏi, đổi mới và sáng tạo trong từng giáo viên. Với cô, sự phát triển bền vững của một tập thể không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, mà phải bắt nguồn từ sự đồng cảm, sự sẻ chia và tinh thần cùng nhau tiến bộ.
Với tâm niệm ấy, cô Thanh không chọn cách chỉ đạo từ xa, không đứng ngoài quan sát để đánh giá. Thay vào đó, cô chủ động hiện diện trong hầu hết hoạt động tổ chuyên môn, cùng giáo viên sinh hoạt, thảo luận, phân tích bài dạy, tháo gỡ vướng mắc và cùng tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho từng khối lớp, giáo viên.
Trong những buổi họp tổ, cô Thanh không áp đặt ý kiến cá nhân, mà lắng nghe bằng sự chân thành và đặt mình vào vị trí của đồng nghiệp để thấu hiểu khó khăn thực tế. Bằng gần gũi, nhẹ nhàng nhưng đầy tinh tế, cô Thanh đã tạo nên một không gian sinh hoạt chuyên môn cởi mở, chân thành, đầy cảm hứng - nơi mỗi giáo viên, dù trẻ tuổi hay dày dạn kinh nghiệm đều cảm thấy được tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ.
Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn do cô tổ chức luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn phương pháp triển khai. Từ việc chọn chủ đề sát thực, xây dựng tình huống gợi mở, đến việc dẫn dắt thảo luận để khơi dậy tư duy phản biện và sự sáng tạo của tập thể, tất cả đều cho thấy sự đầu tư và tâm huyết của người lãnh đạo chuyên môn thực thụ. “Chính từ những buổi sinh hoạt ấy, các giáo viên đã có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài giảng, mạnh dạn đổi mới cách tổ chức hoạt động và cải tiến môi trường giáo dục...”, cô Nguyệt Anh cho biết.
Sự đổi mới và đồng hành tích cực ấy đã từng bước hình thành môi trường làm việc tích cực, nơi mỗi thành viên cảm thấy an toàn, được hỗ trợ và có cơ hội phát triển năng lực cá nhân. Giáo viên không còn e ngại sai lầm, mà dám chia sẻ, thử nghiệm và thay đổi. Cũng nhờ tinh thần đó, nhiều sáng kiến chuyên môn của nhà trường đã được triển khai linh hoạt, hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cả về mặt chuyên môn lẫn tinh thần cho đội ngũ.
Điều làm nên dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp, phụ huynh về cô Thanh không chỉ là năng lực chuyên môn vững vàng hay kỹ năng quản lý linh hoạt, mà còn là một trái tim dịu dàng, bao dung và yêu thương dành cho trẻ thơ. Giữa bộn bề công việc của Phó Hiệu trưởng, cô Hoài Thanh vẫn giữ cho mình nguyên tắc không thay đổi: Trẻ em là trung tâm, lý do lớn nhất để mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc.
Cô luôn tranh thủ từng khoảng trống trong lịch làm việc để đến từng lớp, quan sát từng khoảnh khắc nhỏ của trẻ, hỏi han tình hình lớp, chia sẻ những ghi nhận cùng giáo viên. Với cô, không có chi tiết nào quá nhỏ nếu điều đó liên quan đến cảm xúc và sự phát triển của trẻ.
Mỗi ánh mắt buồn, hành vi bất thường, phản ứng khác lạ ở trẻ được cô lặng lẽ quan tâm, ghi nhớ và cùng giáo viên tìm hướng hỗ trợ phù hợp. Cô làm điều đó không phải vì trách nhiệm, mà bằng sự thấu cảm và tình yêu nghề sâu sắc - thứ tình cảm chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng chân thành.
Chị Nguyễn Thu Hương – một phụ huynh nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi đã quen với hình ảnh cô Thanh xuất hiện ở cổng trường mỗi sáng sớm, nở nụ cười đón trẻ cùng các cô giáo. Nhiều phụ huynh rất xúc động khi thấy Phó Hiệu trưởng ân cần cúi xuống chỉnh lại quai dép, vén áo cho một bé lớp nhỏ, hay dịu dàng dỗ dành trẻ lần đầu đi học rơm rớm nước mắt. Ở cô, từng cử chỉ đều toát lên sự tỉ mỉ, gần gũi và đầy nhân hậu - như một người mẹ thứ hai chăm lo cho những đứa con nhỏ của mình, chứ không đơn thuần là cán bộ quản lý".
Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh – Hiệu trưởng cũng cho biết: Sự tận tâm của cô Thanh được thể hiện rõ nét trong những tình huống cần sự hỗ trợ đặc biệt - khi trẻ gặp khó khăn trong thích nghi, hoặc có biểu hiện khác thường về mặt cảm xúc, khi gia đình trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Những lúc ấy, cô luôn chủ động vào cuộc, gặp gỡ cùng giáo viên, trao đổi với phụ huynh, tìm hiểu cặn kẽ để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, nhân văn và phù hợp với hoàn cảnh.
“Không chỉ dừng lại ở việc ‘quản lý tình huống’, cô còn gieo niềm tin, lan tỏa tinh thần bao dung trong tập thể, để mỗi giáo viên học cách nhìn trẻ bằng ánh mắt yêu thương, thay vì phán xét”, cô Linh khẳng định.
“Với giáo viên, cô Thanh là tấm gương truyền cảm hứng để họ hiểu rằng, giáo dục mầm non không chỉ là nghề, mà còn là sứ mệnh - nơi mỗi cử chỉ, lời nói đều có thể gieo mầm nhân cách cho một con người đang lớn lên từng ngày…”, cô Nguyệt Anh chia sẻ.
Bằng tình yêu lặng thầm nhưng bền bỉ, trái tim chan chứa sự quan tâm chân thành, cô Hoài Thanh đã và đang là hình mẫu của người lãnh đạo đổi mới, không chỉ “đứng đầu”, mà còn biết “sát cánh”; không chỉ “đưa ra yêu cầu”, mà còn biết “đồng hành”; không chỉ “dạy trẻ”, mà còn biết “thương trẻ bằng tất cả tấm lòng”.
Cô Vũ Thị Hoài Thanh còn là tấm gương sáng về lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia với cộng đồng. Nhiều năm qua, cô tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, từ thiện với tất cả tấm lòng. Cô đã tiên phong trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ đồng bào trong đợt bão Yagi, đồng hành trong các chương trình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô đã lan tỏa tinh thần "lá lành đùm lá rách", khơi dậy sự đồng cảm và hành động nhân văn trong tập thể sư phạm nhà trường. Với cô Thanh, làm thiện nguyện không phải để ghi danh, mà để lắng nghe, thấu cảm và hành động bằng trái tim thầm lặng nhưng sâu sắc, giản dị mà đầy tử tế.