Thu và cậu em út trong ngôi nhà của mình ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa. |
Bốn ngày sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thu xin làm công việc bưng bê cho một nhà hàng tại khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Thù lao mỗi ngày nữ sinh này nhận được là 170.000 đồng.
Dịp hè cũng là cao điểm mùa du lịch biển nên Thu thường xuyên phải làm việc tới 11 giờ khuya mới nghỉ ngơi. Sau gần một tháng nỗ lực làm việc, nữ sinh xin nghỉ và được chủ nhà hàng trả công gần 3,5 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm khoản tiền lớn do chính công sức mình làm ra, cô nữ sinh dân tộc Thái rất phấn khởi. “Đây có lẽ là khoản tiền lớn nhất trong đời em có được từ sức lao động của mình. Sau khi dành ra một khoản đưa cho mẹ, em mua thêm một ít đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chuẩn bị cho hành trang đại học sắp tới”, Thu bộc bạch.
Một tuần sau khi nghỉ việc ở nhà hàng, Thu cùng cô bạn thân bắt xe ra tỉnh Hà Nam xin làm thời vụ cho một công ty về linh kiện điện tử. Để thuận tiện cho việc đi lại, Thu và bạn thuê phòng trọ cách công ty khoảng 1km. Một ngày làm việc của cô công nhân bất đắc dĩ kéo dài từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối, hôm nào tăng ca, thời gian làm việc sẽ kéo dài tới 10 giờ đêm.
Thời gian đầu, do chưa quen việc nên Thu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cơ thể đau nhức, đặc biệt là phần vai gáy do phải cúi nhiều. “Những ngày đầu, cứ về đến phòng là em nằm bẹp vì phần cổ đau nhức. Sau khoảng 4 - 5 ngày, em bắt đầu quen với công việc bất đắc dĩ này”, nữ sinh chia sẻ.
Hôm nhận tin đậu đại học, Thu còn đang mải miết tăng ca ở công ty. “Lúc nghe cô bạn báo tin vui, sống mũi của em bỗng thấy cay cay như sắp khóc. Lúc đó, em vui lắm nhưng vẫn phải kiềm chế cảm xúc vì đang trong giờ làm việc”, Thu xúc động nói.
Hơn 2 tuần “hóa thân” thành cô công nhân bất đắc dĩ, Thu phải xin nghỉ làm để về khám mắt và bắt xe xuống trường hoàn thiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng. Nữ sinh chia sẻ, khoản tiền hơn 4 triệu đồng có được trong thời gian làm thời vụ ở Hà Nam sẽ đưa mẹ mua sách vở và nộp học phí cho em út vừa vào lớp 1.
Hiện tại, trường đại học chưa thông báo lịch nhập học nên Thu tranh thủ ở nhà phụ giúp bố mẹ, dạy bảo em học. Đồng thời, chuẩn bị thêm một số đồ dùng cá nhân, sách vở cho hành trình đại học sắp tới.
Nói về học trò của mình, cô Tạ Thị Thúy Chinh, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa, nhận xét: Thu là học sinh chăm ngoan, sống hòa đồng và là cán bộ Đoàn gương mẫu của lớp 12A. Trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, em còn tranh thủ thời gian hỗ trợ những bạn có lực học yếu. Thu là học sinh giàu nghị lực và khá đặc biệt của lớp 12A. Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, Thu đã xin làm thời vụ lấy lộ phí làm hành trang cho chặng đường đại học phía trước.
“Trong kỳ xét tuyển đại học năm nay, lớp 12A có 27 em trong tổng số 29 học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Đặc biệt, cả 4/4 học sinh đăng ký vào khối trường Quân đội và Công an đều trúng tuyển. Học viện Hậu cần năm nay chỉ lấy 4 chỉ tiêu là nữ. Khi Thu quyết định đăng ký xét tuyển, tôi khá lo lắng và áp lực dù điểm số của em khá cao. Khi biết tin, Thu là thí sinh nữ có điểm trúng tuyển cao nhất, cả cô và trò đều vỡ òa cảm xúc. Em cũng là học trò xuất sắc được kết nạp Đảng tại trường dịp tháng 5 vừa qua”, cô Chinh chia sẻ.
Thầy Phạm Anh Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Năm 2023, nhà trường có tỷ lệ học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 đạt 98%, trong đó có nhiều trường tốp đầu cả nước.
Đặc biệt, có khoảng 20 em trong tổng số 182 học sinh đăng ký vào khối trường Công an, Quân đội đều trúng tuyển, với một thủ khoa và 2 á khoa khối trường Quân đội. Em Vi Thị Thu là thủ khoa Học viện Hậu cần (với nữ), cũng là thí sinh có mức điểm cao thứ 5 trong tổng số thí sinh xét tuyển vào ngôi trường này.
Vi Thị Thu cho biết: Em nghĩ rằng, học vấn là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với học sinh ở vùng núi như chúng em. Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ em không được đi học nên luôn động viên các con học hành để thoát nghèo. Với bản thân mình, em luôn đặt mục tiêu rõ ràng và nỗ lực phấn đấu.