Hàng loạt thành tích trong học tập và công tác đoàn, hội nhưng Nguyệt nhớ mãi giải Ba Nghiên cứu khoa học Cấp Bộ “Ứng dụng công tác xã hội cá nhân trong hỗ trợ kỹ năng tự phục vụ bản thân đối với trẻ tự kỷ”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của cô trong thời gian 4 năm học ở trường và cũng là đề tài giúp Nguyệt tìm ra niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình.
Trước đó, Nguyệt chưa có nhiều kiến thức chuyên sâu về trẻ tự kỷ. Tuy nhiên trong một lần tìm kiếm cơ sở để đi thực tập cho môn chuyên ngành, thông qua thông tin đăng tuyển tìm kiếm sinh viên Công tác xã hội,… hỗ trợ trẻ tự kỷ trên trang thông tin của trường, Nguyệt đã nộp hồ sơ ứng tuyển và được nhận.
Sau hơn ba tháng thực tập, làm việc với trẻ, và quá trình nghiên cứu, tổng quan về đối tượng, Nguyệt đã ý thức được sâu sắc hơn những thiệt thòi mà trẻ tự kỷ đang phải đối mặt. Cô cũng thấu hiểu hơn cho những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà trẻ đang gặp phải.
“Từ đó đã thôi thúc em tìm ra một phương pháp hỗ trợ mới, hiệu quả, phù hợp hơn để bù đắp cho những thiệt thòi, mất mát đó, để trẻ có một tuổi thơ trọn vẹn và sống có ích hơn”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện đề tài này, Nguyệt đã ứng dụng phương pháp Công tác xã hội cá nhân kết hợp với một số phương pháp liên ngành như y học, tâm lý học, giáo dục chuyên biệt…để hỗ trợ trang bị những kỹ năng tự phục vụ bản thân trẻ tự kỷ. Từ đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào gia đình và quan trọng là giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Cùng với đó, dựa vào những bài học kinh nghiệm, Nguyệt đã đưa ra dự thảo nội dung và phần mềm cuốn sổ tay điện tử “Kiến thức – Thái độ - Kỹ năng cho cha mẹ có con tự kỷ”.
Đây là cuốn sổ tay ghi chép lại toàn bộ những cách thức và các hoạt động cụ thể và phù hợp để giúp cha mẹ có con tự kỷ có thể tiếp cận, chăm sóc và giáo dục cho con mình tốt hơn. Từ đó, giúp trẻ trở thành nguồn lực chính trong hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, giúp trẻ có thêm động lực để vượt qua những trở ngại về tâm lý cũng như những khó khăn trong cuộc sống.
“Đây là khoảng thời gian ý nghĩa và khó quên nhất với vì nó giúp em chiến thắng được chính bản thân, vượt lên được những trở ngại về tâm lý để hoàn thành mục tiêu. Nó cũng giúp em hiểu rõ hơn về bản chất của ngành Công tác xã hội, hiểu rõ hơn về những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho một nhân viên Công tác xã hội tương lai”, Nguyệt chia sẻ.
Tâm đắc nhất câu nói “Khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực là hành động”, Nguyệt đã nỗ lực trong suốt thời gian học tập. Danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của trường chính là phần thưởng cho những thành quả ấy. Thời gian tới, cô gái này dự định tiếp tục học lên cao hơn nữa để có thêm nhiều kiến thức, từ đó có thể giúp đỡ được nhiều đối tượng, hoàn cảnh trong xã hội.