Những ngày tháng tập luyện đổ mồ hôi, chấn thương không ít đã khiến Thành trân trọng danh hiệu này. Đây cũng là một sự khích lệ để những người trẻ không dừng lại ở đó mà càng quyết tâm dấn thân, không ngại thử thách để đến gần với thành công.
Lan tỏa tình yêu nghệ thuật
Giây phút được vinh danh, nam sinh quê Yên Bái đã nhớ lại những buổi tập để chuẩn bị cho các bài thi kết thúc học kì. “Chúng em thường phải ở lại trường từ sáng sớm đến tối muộn mới về và không thể nào quên được những suất cơm hộp ăn vội vàng và những bát mì tôm úp vài người ăn chung”, Thành chia sẻ.
Thành cho biết thêm, những người học chuyên ngành biên đạo múa đại chúng đều bắt đầu học ở tuổi 18, tức là khi tốt nghiệp THPT. Có anh chị gần 40 tuổi vẫn đi học nên vấn đều tuổi tác khiến môn học này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi độ tuổi đã lớn thì việc ép dẻo và cơ thể đã cứng hơn, nhất là những động tác kỹ thuật. Hơn nữa, con trai phải học toàn bộ các động tác của nữ để khi sáng tạo bài mới sẽ nắm chắc từng chất liệu và ngôn ngữ động tác múa.
4 năm Đại học, ngoài giờ học, nam sinh này còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn. Đó là chương trình “Tiếp sức mùa thi”, đóng parody ca nhạc “Mùa thi thật bất ngờ”, tham gia tuyến đầu chống dịch… Để học hỏi được nhiều kinh nghiệm và có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, Phạm Tiến Thành còn tham gia dàn dựng và biên đạo các tiết mục nghệ thuật cho các trường mầm non, tiểu học.
Hàng loạt thành tích tiêu biểu nhưng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng sinh viên đã đạt thành tích trong thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV là kỷ niệm Thành nhớ mãi.
Từ đây, nam sinh này mong muốn, không chỉ trở thành một biên đạo múa chuyên nghiệp mà làm sao có thể truyền cảm hứng yêu nghệ thuật tới nhiều bạn trẻ hơn. Thời gian tới, Phạm Tiến Thành dự định trau dồi kiến thức ở cấp học cao hơn và mong muốn được đóng góp cho ngành nghệ thuật của thủ đô.