Hình ảnh minh hoạ
Nhà sản xuất ô tô Ford từng bị chỉ trích vì một nhà máy sản xuất pin sắp xây dựng ở Michigan đã cấp phép cho công nghệ từ Contemporary Amperex Technology Co., hay CATL. CATL là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Họ thống trị lithium-iron-phosphate hay LFP, thành phần pin mà Ford cần để sản xuất xe tải điện chi phí thấp.
Thực tế, ngưỡng kiểm soát 25% không khắt khe như mọi người tưởng. Nếu công ty mẹ FEOC sở hữu 25% công ty con, nhưng công ty con đó lại sở hữu dưới 50% công ty con khác thì thực thể thứ ba sẽ không được coi là nằm dưới sự kiểm soát của công ty mẹ. Điều này có nghĩa là các cơ sở nước ngoài có nguồn gốc từ công ty mẹ Trung Quốc vẫn có thể chứng minh mức độ tách biệt đủ để nhận tín dụng thuế.
Những quy định về FEOC sẽ tạo ra trở ngại vào thời điểm mà tốc độ tăng trưởng nhu cầu về xe điện chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Các nhà sản xuất xe điện đang chịu áp lực về tốc độ sản xuất và tỷ suất lợi nhuận. Các mẫu xe Tesla rẻ hơn sử dụng pin LFP từ CATL sẽ mất một số khoản tín dụng thuế. Còn Ford cho biết dòng xe Mustang Mach-E với cấu hình hiện tại sẽ không đủ điều kiện.
Ngoài ra, những quy định mới sẽ để lại một số hậu quả khác. Chẳng hạn các nhà sản xuất lithium của Trung Quốc đã đầu tư cho việc phát triển một số mỏ khai thác ở Australia. Nếu không giảm quyền kiểm soát, loại lithium đó sẽ khiến xe điện không đủ điều kiện nhận ít nhất một phần tín dụng thuế, cho dù Australia có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Ngược lại, các quy định mới giúp thúc đẩy các dự án khoáng sản non trẻ của Mỹ.
Jane Nakano, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chỉ ra rằng, không giống như việc sản xuất các tấm pin mặt trời, Mỹ chưa bao giờ thực sự phát triển được ngành công nghiệp pin xe điện trong nước. Mặc dù khó chấp nhận, đây là lĩnh vực mà Mỹ có thể học hỏi được nhiều điều từ Trung Quốc. Nhận thức được điều đó và khai thác nó là điều cần thiết để hy vọng của Mỹ về một ngành công nghiệp pin xe điện nội địa trở thành hiện thực.
Tham khảo Bloomberg