Bà Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 1948), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung Phong xã Ia Din (Đức Cơ) sống tại thôn Quyết Thắng, gần cầu Nước Pít từ năm 1996, thông tin: Chưa khách du lịch nào đến đây cả. Thi thoảng có một vài nhóm học sinh trong xã tổ chức sinh nhật hoặc tới vui chơi dưới suối chốc lát rồi về. Theo bà Thêu, nhìn đá và suối thì thấy cũng hay hay nhưng chưa ai đầu tư gì, kể cả đường đi lối lại, nên không thể gọi là khu du lịch được.
Anh Võ Tấn Dũng (sinh năm 1981), ở thôn Thanh Bình, xã Bình Giáo (Chư Prông) người thường xuyên dùng nước của dòng suối này để tưới cho rẫy cà phê của mình cho biết: Suối chỉ nhiều nước từ khoảng tháng 6 đến tháng 10. Các tháng còn lại trong năm, suối ít nước. Nghe tôi hỏi về khách du lịch, anh Dũng phì cười, đáp: Không ai đến đây chơi vì không ai biết nó cả! Người ta chỉ phóng xe qua cầu thôi, chứ ai dừng lại làm gì?
Theo chỉ dẫn của anh Dũng, tôi đi qua một mỏ đá đã dừng khai thác, vào sâu thêm khoảng nửa cây số nữa thì bắt gặp một cảnh tượng lạ và đẹp. Đó là những bức tường thành tự nhiên được kết bằng hàng trăm cột đá bazan đang phơi mình trong nắng. Những thanh đá triệu năm tuổi ấy in bóng mình xuống chính những hố khai thác nay đã được nước mưa và cây cỏ lấp đầy, tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ, hoang sơ lại vừa lãng mạn.
Tại khu vực này, tôi đã gặp vài “phượt thủ” trẻ. Họ cho biết đây chắc chắn sẽ là một điểm chụp ảnh cưới lý tưởng, một nơi “check in” không dễ gặp lần thứ hai.
Không có phạm vi rộng lớn như quần thể cổ thạch H’Chan tại xã Đe Ar (huyện Mang Mang) hay bãi đá cổ ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh), suối đá triệu năm dưới chân cầu Nước Pít vẫn là một thắng cảnh đáng được những người có trách nhiệm lưu tâm. Sau những gì đã biết về suối, thác và đá có niên đại rất xa trên đất Gia Lai, hẳn là đã đến lúc những người làm du lịch địa phương nghĩ về một loại hình mới: Du lịch di sản thiên nhiên.