'Nuôi trò nghèo' ở ngôi trường vùng biên giới Nghệ An

Hồ Lài | 14/11/2022, 08:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ muôn vàn khó khăn, trường tiểu học xã biên giới Đoọc Mạy (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã tổ chức hiệu quả mô hình bán trú cho trò nghèo bản xa. 

Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn cho học sinh, thầy hiệu trưởng nhà trường đã viết thư ngỏ, kết nối với bạn bè, các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm để tặng bàn ghế, xây thêm phòng học, nhà ở bán trú…

Kéo trò bản xa về ở bán trú đi học

Đoọc Mạy là xã biên giới vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện gần 60 km, chiếm 98% là người dân tộc Mông. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng diện tích đất sản xuất, canh tác ít, độ dốc cao nên đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 71,8%.

Năm học 2022-2023 trường có 13 lớp với 239 học sinh, trong đó có 88 em đang ở bán trú tại điểm trường chính để thuận lợi cho việc học tập. Tuy nhiên để đưa được số học sinh Mông từ các bản xa xôi về bán trú, là nỗ lực rất lớn từ hiệu trưởng và tập thể giáo viên nhà trường.

Nhớ lại những ngày đầu vận động tổ chức bán trú, thầy Trường chia sẻ, đặc trưng của xã Đoọc Mạy là vùng biên giới với các bản ở tách biệt nhau, đường đi khó khăn, hiểm trở. Cũng chính vì điều kiện khó khăn, nên nhiều năm liền, trường này chưa thể tổ chức bán trú cho học sinh.

Quyết tâm 'nuôi trò nghèo' của ngôi trường vùng biên giới Nghệ An ảnh 1
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Trường Tiểu học Đoọc Mạy vẫn quyết tâm tổ chức bán trú cho học sinh ở bản xa.

Năm 2020, thầy Trần Hữu Trường – nguyên là cán bộ Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoọc Mạy. “Khi về trường, tôi quyết tâm vất vả đến đâu cũng phải tổ chức bán trú, như vậy mới nâng cao hiệu quả dạy học, cũng như rèn kỹ năng cho học sinh vùng biên giới biệt lập này”, thầy Trường kể.

Thời điểm đó, điều kiện để thực hiện bán trú hầu như là con số 0: không nhà bán trú, không bếp ăn, khu vực vệ sinh, đồ dùng sinh hoạt... Nhà trường tận dụng gian phòng học cũ của trường phổ thông cơ sở cũ (liên cấp 1 – 2) và tu sửa lại đảm bảo an toàn làm phòng ở cho học trò. Phòng GD&ĐT hỗ trợ chuyển một số giường tầng dư thừa của trường PT Dân tộc bán trú THCS cho học sinh tiểu học. Các vật dụng sinh hoạt khác, nhà trường tự sắm thêm cho học sinh.

Bếp ăn của thầy cô cũng được sử dụng chung để nấu nướng cho học trò. Công trình vệ sinh được nhà trường vận động xã hội hóa xây dựng. Cùng với quá trình chuẩn bị, nhà trường họp phụ huynh, đến từng thôn bản tuyên truyền, vận động. Năm học 2020-2021, lần đầu tiên mô hình bán trú được tổ chức tại Trường Tiểu học Đoọc Mạy với 34 em lớp 4-5 của các bản Noọng Hán, Huồi Viêng và Phà Nọi. Sau năm học đầu tiên, mô hình bán trú tạo được niềm tin trong phụ huynh, và tăng lên 68 em trong năm học 2021-2022. Và đến năm nay số lượng đã tăng lên 88 em.

Quyết tâm 'nuôi trò nghèo' của ngôi trường vùng biên giới Nghệ An ảnh 2
Học sinh được rèn luyện giữ gìn vệ sinh chung khi sinh hoạt tập thể trong trường.

Bên cạnh dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình chính khóa, buổi tối các em được thầy cô phụ đạo. Ngoài ra, trong quá trình ăn ở, sinh hoạt tập thể, học sinh còn được thầy cô hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân, quét dọn, rửa bát, tưới rau. Kỹ năng giao tiếp và tiếng Việt của học sinh cũng tiến bộ nhanh chóng.

“Hiệu quả của mô hình bán trú đã góp phần duy trì ổn định sỹ số, phát triển thể lực cũng như nâng cao chất lượng dạy học, tạo sự tin tưởng cho phụ huynh. Ví dụ như học sinh ở bản Huồi Khơ cách trường chính 70km, đường đi phải vòng qua 3 xã biên giới khác là Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý. Trước đây, nhiều gia đình xin chuyển trường cho con sang xã Mỹ Lý đi học cho gần. Nhưng từ khi trường Trường Tiểu học Đoọc Mạy đã tổ chức bán trú, thì bố mẹ các em đã xin cho con quay về trường cũ đi học dù khoảng cách rất xa”, thầy Trường cho hay.

Thầy Hiệu trưởng gửi thư xin quà cho trò nghèo

Ngay trước thềm năm học 2022-2023, trường TH Đoọc Mạy nhận được 84 bộ bàn ghế do chính Hệ thống giáo dục Thăng Long Kidsmart trao tặng, thông qua sự kết nối của nhóm Từ Tâm. Trước đó, thầy Trần Hữu Trường đã liên lạc với nhóm thiện nguyện trên và đề xuất hỗ trợ số bàn ghế trên cho học sinh. Bởi cơ sở vật chất nhà trường sau nhiều năm bắt đầu cũ kỹ, xuống cấp. Bàn ghế học sinh hư hỏng nhiều và số còn lại không đảm bảo tiêu chuẩn cho các em ngồi học tập. Sau thời gian kêu gọi, bàn ghế mới đã được chuyển lên cho học sinh Đoọc Mạy, góp thêm niềm vui, háo hức đón chào năm học mới.

Trường Tiểu học Đoọc Mạy hiện có 3 điểm lẻ, trong đó bản Phà Nọi gặp nhiều khó khăn. Tại đây có 4 phòng học tạm bằng gỗ được phụ huynh và dân bản tự làm giúp nhà trường và sử dụng từ năm 2011. Sau 10 năm, các phòng học tạm này xuống cấp, mái lớp hư hỏng.

Do đã đưa học sinh lớp 3-4-5 về trường chính nên nơi đây chỉ còn duy trì lớp 1 và 2 với tổng sỹ số hơn 10 em. Một phòng học “kiên cố” nhất được sửa sang và đặt làm lớp ghép dạy học. Còn giáo viên cắm bản vẫn phải ở trong gian ký túc tạm bợ. Trước thực tế này, Ban giám hiệu nhà trường đã viết thư ngỏ gửi Ban từ thiện chùa Cổ Linh (Hải Dương) xây dựng phòng học kiên cố để tạo môi trường dạy học an toàn cho giáo viên, học sinh điểm bản Phà Nọi.

Quyết tâm 'nuôi trò nghèo' của ngôi trường vùng biên giới Nghệ An ảnh 3
Điểm bản Phà Nọi (Trường Tiểu học Đoọc Mạy) trước khi được xây dựng mới có 4 phòng học tạm bằng gỗ do phụ huynh dựng giúp thầy cô dạy học.

Sau khi đoàn từ thiện về tận nơi khảo sát, xác nhận điều kiện thiếu thốn, vất vả tại điểm trường Phà Nọi đã đồng ý xây 2 phòng học, đổ bê tông 100m2 sân trường. Bên cạnh đó trang thiết bị bên trong phòng học. Và năm học 2022-2023 này, điểm trường Phà Nọi đã được “kiên cố hóa” sau nhiều năm thầy trò dạy học trong phòng tạm. Giáo viên cũng có phòng ký túc xá bằng bê tông chắc chắn, ấm áp, yên tâm cắm bản công tác.

Cùng với việc đi “xin” phòng học cho học sinh, thầy Trần Hữu Trường đang tiếp tục xin xây phòng nội trú cho học sinh. Hiện 88 em ở các bản xa về trường chính đi học đang ở trong dãy phòng học cũ được nhà trường tu sửa lại. Tuy nhiên, các phòng này cũng đã xuống cấp, cũ kỹ sau nhiều năm sử dụng. Trong khi lượng học sinh bán trú ngày càng tăng.

Đại diện cho nhà trường, thầy Hiệu trưởng lại viết thư xin hỗ trợ từ nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh. Nguyện vọng xây dãy nhà mới, an toàn, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, để học sinh yên tâm ở trường đi học. Hiện gia đình vị mạnh thường quân này đã đồng ý hỗ trợ nhà trường dãy 6 phòng nhà ở cho học sinh nội trú. Loại nhà cấp 4, với tổng kinh phí dự kiến hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn hỗ trợ cả giường tầng, một số đồ dùng sinh hoạt cho học sinh.

“Đối với một trường Tiểu học miền núi cao, vùng sâu, vùng xa chúng tôi đang còn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn rất nhiều. Tỷ lệ học sinh con em hộ nghèo cao, nhà trường hầu như không vận động xã hội hóa từ phụ huynh. Vì vậy, nghĩa cử cao đẹp, sự quan tâm từ các cá nhân, tổ chức góp phần bổ sung cơ sở vật chất cho nhà trường và trợ kịp thời cho học sinh nghèo trong học tập. Đáng quý hơn, sự quan tâm đó còn tạo ra niềm tin, động lực để thầy trò nhà trường phấn đấu khắc phục khó khăn, thi đua dạy và học tốt hơn” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoọc Mạy cho hay.

Bài liên quan
Cùng trò nghèo vượt khó
Để học sinh nghèo không phải một mình đối mặt với khó khăn, thầy cô Trường THPT Đồng Đăng đã đồng hành, hỗ trợ giúp các em an tâm đến trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nuôi trò nghèo' ở ngôi trường vùng biên giới Nghệ An