Robert Jordan, cựu đại sứ Mỹ tại Ả Rập Saudi, cho biết cả Ả Rập Saudi và Mỹ đều có lý do để ổn định mối quan hệ song phương. Ông Jordan nói: "Saudi muốn có máy bay chiến đấu, công nghệ hạt nhân và đảm bảo an ninh của Mỹ. Mỹ muốn họ công nhận Israel và duy trì hoạt động sản xuất dầu".
Mối quan hệ với Ả Rập Saudi đã giúp Nga trong xung đột với Ukraine. Trong khi các nước phương Tây bắt đầu rút đầu tư khỏi Nga vào năm ngoái, công ty Kingdom Holding của Ả Rập Saudi đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các công ty năng lượng của Nga. Sau đó, Ả Rập Saudi tăng cường nhập khẩu dầu nhiên liệu của Nga cho các nhà máy điện của mình trong khi các quốc gia khác hạn chế hoặc chấm dứt mua năng lượng của Nga.
Một tàu chở dầu gần thành phố cảng Nakhodka của Nga. Ảnh: Tatiana Meel/Reuters
Vào tháng 9, hai nước đã dẫn đầu OPEC+ giảm sản lượng dầu, trước sự thất vọng của chính quyền ông Biden.
Tuy nhiên, New York Times cho hay, quan hệ đối tác dầu mỏ Nga - Saudi vẫn có những lúc bất ổn. Năm 2020, khi đại dịch Covid làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và giá dầu, Nga đã từ chối hợp tác với giới chức Ả Rập Saudi để cắt giảm sản lượng sâu nhằm bình ổn giá. Đáp lại, Ả Rập Saudi tăng cường bơm dầu mỏ ra thị trường, làm giảm giá dầu thô và gây thiệt hại nặng nề cho các công ty dầu mỏ của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên truyền hình, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, bộ trưởng năng lượng Ả Rập Saudi và là anh trai cùng cha khác mẹ của Hoàng tử Mohammed, đã nhắc lại sự bất đồng ngắn ngủi: "Đó không phải là vấn đề về giá cả, lợi nhuận hay thu nhập. Đó là vấn đề 'tồn tại hay không tồn tại': Ai là người dẫn dắt đầu lĩnh vực dầu mỏ này?".
Trong khi nhóm sản xuất OPEC+ tiếp tục cắt giảm nguồn cung, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được phép tăng hạn ngạch sản xuất cho năm tới. Trong lần kiểm đếm cuối cùng, các nhà phân tích dầu mỏ cho biết, quyết định mới nhất của OPEC+ có thể làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu 1 triệu thùng/ngày trong ít nhất 1 tháng đối với thị trường toàn cầu chỉ trên 100 triệu thùng mỗi ngày.
Hai nước vẫn có nhiều điểm chung, bao gồm cách họ nhìn nhận một số chính sách của Mỹ. Khi Mỹ và các nước châu Âu áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga vào năm ngoái, Ả Rập Saudi và các quốc gia sản xuất năng lượng khác ở Trung Đông đã coi hành động này là một mối đe dọa tiềm ẩn, một chính sách có thể được sử dụng để cắt giảm lợi nhuận của họ trong tương lai.
Sadad Ibrahim Al Husseini, cựu giám đốc điều hành cấp cao của Công ty dầu khí quốc gia Ả Rập Saudi Aramco., cho biết: "Sẽ không có ý nghĩa gì nếu một trong hai quốc gia rời bỏ liên minh then chốt này vào thời điểm mà an ninh năng lượng đang bị đe dọa trên toàn thế giới và thị trường dầu mỏ và khí đốt đang hỗn loạn".
Dù vậy, một số quan chức Trung Đông đã phàn nàn về độ tin cậy của Nga với tư cách là một đối tác. Nga đã không tiết lộ dữ liệu sản xuất năng lượng kể từ tháng 4. Nhiều nhà phân tích cho rằng có vẻ như xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga đang tăng lên, điều này đã bù đắp cho lượng dầu bán cho châu Âu bằng đường ống bị thất thoát.
Marcel Salikhov, Giám đốc Viện Năng lượng và Tài chính ở Moscow, cho biết: "Để có hiệu quả, liên minh phải công bố dữ liệu của mình. Nga đã giữ kín dữ liệu và điều này đang tạo ra mâu thuẫn".